Yên Bái thực hiện Luật HTX 2012 - những đòi hỏi từ thực tiễn - Bài cuối: “Khơi thông” điểm nghẽn, tạo đà phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 7:40:20 AM

YênBái - Với khuôn khổ pháp lý cùng các cơ chế, chính sách mới thuận lợi, Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được ví như một luồng gió mới làm khơi dậy kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT). Tuy nhiên, cùng với đó, cũng bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.

Nuôi cá trên hồ Thác Bà của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
Nuôi cá trên hồ Thác Bà của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.

>> Bài 1: Những chuyển động từ kinh tế hợp tác


Những rào cản cần tháo gỡ

Sau 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, KTTT mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về cả lượng và chất. Dự ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 590 HTX, thu hút 29.500 thành viên; năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với 01/7/2013; doanh thu bình quân của HTX đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận bình quân HTX ước đạt 430 triệu đồng/HTX, tăng 9,9 lần so với 01/7/2013. 

Các HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 40 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với 01/7/2013. KTTT đã thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho hàng vạn thành viên, tổ viên cũng như việc làm thời vụ cho nhiều lao động, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD) và từng bước ổn định đời sống ở nông thôn, xây dựng quan hệ sản xuất mới, khắc phục đáng kể thời gian nông nhàn, tạo thêm của cải vật chất cho nông dân, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, khu vực KTTT của tỉnh vẫn còn những hạn chế. 

Số lượng các HTX đã tăng, nhưng tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu còn cao. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; việc xử lý các HTX ngừng không hoạt động chưa dứt điểm; năng lực nội tại của HTX yếu, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Cùng đó, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX tuy đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập; việc tổ chức quản lý SXKD gặp không ít khó khăn, không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. 

Nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất chế biến của HTX còn thiếu quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời. Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, nhu cầu vốn phát triển SXKD của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn (khoảng 112 tỷ đồng/năm). 

Trong khi, khả năng tự lực vốn của các HTX chỉ dưới 20% số vốn cần thiết cho đầu tư SXKD; khoảng 10% số HTX được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam; bình quân khoảng 3% số HTX được vay vốn của các tổ chức tín dụng hàng năm, còn lại trên 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và kể cả tín dụng "đen" với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn. 

Nguyên nhân các HTX khó tiếp cận vốn do các tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại cho vay HTX, mặc cảm với HTX kiểu cũ, chưa hiểu đúng bản chất HTX, thiếu thông tin; món vay nhỏ, chi phí cho vay lớn; thủ tục vay vốn phức tạp, quy trình quá chặt chẽ; các quỹ tín dụng nhân dân hạn chế về đối tượng và địa bàn giải quyết vay vốn.

Trong khi, năng lực quản trị, điều hành của HTX cũng hạn chế, ngại thủ tục, chi phí khi vay vốn của tổ chức tín dụng. Đất đai cũng là rào cản lớn. Giai đoạn từ 2013 đến nay, tỉnh đã quy hoạch khu vực sản xuất, tạo điều kiện để các HTX được thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, giảm tiền thuê đất ở khung giá thấp nhất và được hưởng thời hạn ưu đãi về thuế đất ở mức tối đa đối với các HTX mới thành lập, có chính sách ưu đãi riêng đối với các HTX nông nghiệp, HTX trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, đã có một số HTX được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm trụ sở; một số HTX được giao đất trồng cây lâu năm và đất rừng chủ yếu để trồng chè, quế và các loại cây lấy gỗ thân nhỏ.

Các HTX này tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn; một số HTX được giao đất nuôi trồng thủy sản khu vực vùng hồ Thác Bà. Thị xã Nghĩa Lộ đã bố trí 1.437 m2 đất cho các HTX có mặt bằng SXKD; huyện Yên Bình đã giao 120 ha đất cho HTX Trường Vũ để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn các HTX hiện nay đang thuê, mượn nhà, đất của các thành viên trong HTX để làm trụ sở, nhà kho, nhà xưởng phục vụ SXKD. 

Để phát triển sản xuất, hầu hết các HTX đều có nhu cầu được thuê, cấp đất ổn định, lâu dài để đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng, chuồng trại phục vụ sản xuất, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm… Song, đến nay địa phương chưa bố trí được quỹ đất hoặc vị trí không thuận tiện cho SXKD của HTX.  Ngoài ra, tuy đã ban hành gần 10 năm, nhưng Luật HTX 2012 vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, Luật HTX 2012 quy định góp vốn điều lệ của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX. 

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Đỗ Nhân Đạo, số lượng thành viên góp vốn tối đa và tối thiểu để thành lập HTX có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều thành viên có khả năng và nhu cầu góp vốn cao, song do quy định  thành viên có nhu cầu góp vốn không quá 20% vốn điều lệ đã gây hạn chế, bất cập trong vấn đề huy động vốn của các thành viên trong các tổ chức KTTT. 

Bên cạnh đó, Luật 2012 hiện quy định doanh nghiệp tư nhân, THT không phải là thành viên HTX. Trong khi đó, các THT và doanh nghiệp tư nhân đều là những nhân tố không thể thiếu trong chuỗi giá trị và đang góp phần không nhỏ thúc đẩy KTTT, HTX về thành viên, nguồn vốn… 

Một bất cập nữa là Luật HTX 2012 không quy định HTX hoạt động như doanh nghiệp; tuy nhiên, trong thực tiễn cơ quan thuế vẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX; còn cơ quan bảo hiểm xã hội thì quy định người làm việc trong HTX phải đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp. Vấn đề này cho thấy nghĩa vụ thì thực hiện như doanh nghiệp, nhưng quyền lợi thì không được như thế. Bên cạnh đó, các quy định về thành lập mới hay giải thể HTX còn chưa rõ ràng, phức tạp. Đây cũng là lý do khiến hiện toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn 40 HTX dù đã chết từ lâu nhưng vẫn chưa được "khai tử”.

Tạo đà cho HTX phát triển

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: "Trong giai đoạn tới với mục tiêu mỗi năm, toàn tỉnh phát triển trên 50 HTX, tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với XDNTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX”. 

Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của KTTT, nòng cốt là các HTX. 

Các địa phương tập trung củng cố các HTX hiện có, giải quyết những yếu kém của các HTX và mạnh tay xóa bỏ những HTX chỉ sống trên danh nghĩa; đồng thời, lựa chọn ra những HTX kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. 

Tăng cường liên doanh, liên kết trong tổ chức SXKD của HTX. Tư vấn, định hướng hoạt động HTX trong suốt quá trình SXKD để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả. Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về làm việc có thời hạn tại HTX. 

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đưa sản phẩm của HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Hỗ trợ các HTX tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển HTX của trung ương và địa phương để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Tư vấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kinh doanh và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Về khung khổ pháp lý và cơ chế, chính sách, ông Đỗ Nhân Đạo cho biết thêm: cần nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng bộ hóa các văn bản luật liên quan đến phát triển KTTT như đất đai, thuế, tín dụng... 

Nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về THT, bổ sung các chính sách ưu đãi thích hợp đối với THT, khuyến khích phát triển THT trên địa bàn. 

Để nâng cao nguồn lực cho khu vực KTTT thì cần bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình OCOP để hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX.

Để giải quyết tình trạng khát vốn cho HTX, cần hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đáp ứng nhu cầu vay vốn của các HTX trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, đặc biệt là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, giáo dục nghề nghiệp cho lao động, thành viên và có chính sách thu hút nhân lực trẻ có trình độ cho HTX; trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp. 

Với vai trò của mình, thời gian tới, Liên minh HTX sẽ phối hợp với các ngành tích cực hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nhân rộng ra toàn tỉnh; tiếp tục lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên và người lao động. 

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học, công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh.                                                                                                  
Văn Thông

Tags Yên Bái khơi thông điểm nghẽn Luật HTX 2012 cơ cấu lại ngành nông nghiệp liên doanh liên kết

Các tin khác

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, các dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặt biệt là dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp.

Quá trình thẩm định ATTP còn khó khăn bởi một số quy định hiện hành.

Việc sửa đổi Thông tư số 38, Thông tư số 48 và Thông tư số 16 là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm và bảo đảm tính hợp pháp.

Các thông số ô nhiễm có trong khí thải và bụi của Nhà máy Xi măng Yên Bái đều được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra.

Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo; đồng thời tích cực đôn đốc, hướng dẫn Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái thực hiện việc lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động liên tục bụi, khí thải đối với 2 nhà máy xi măng.

Công nhân Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm trong dây chuyền sản xuất giấy đế.

Khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lãnh đạo Đảng bộ Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm đã phát huy tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo đề ra nhiều giải pháp tích cực, thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì, ổn định sản xuất .

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục