Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 07/KH-TCQLTT về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thời gian dự kiến thực hiện đợt cao điểm từ ngày 1/12/2021-15/2/2022.
Mục đích chính của kế hoạch nhằm quán triệt và tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, kế hoạch, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và cơ quan có liên quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Mặt khác, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng.
Trong kế hoạch này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh yêu cầu việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm.
Đặc biệt, các đơn vị phải tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, phân công công chức trực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo yêu cầu.
Ngoài ra, việc phân công công chức trực trong những ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết phải bằng văn bản, được gửi cơ quan cấp trên trực tiếp để tổng hợp theo dõi, giám sát thực hiện và gửi cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp và được niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị để tổ chức, cá nhân biết, liên hệ.
Kế hoạch của Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, xây dựng Kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường trong đợt cao điểm.
Mặt khác, Tổng cục Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống..., các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới.
Kế hoạch cũng chỉ rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử...
Đặc biệt, lực lượng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân công chức tha hóa, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong kế hoạch này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nêu ra các địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; trong đó, Cục Quản lý thị trường tại tuyến biên giới phía Bắc sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, chợ Tân Thanh (Lạng Sơn); cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu (Lào Cai); thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang); cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên)....với các mặt hàng trọng điểm như pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách...), khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc gia cầm, thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay)...
Tại các Cục Quản lý thị trường ở tuyến biên giới miền Trung-Tây Nguyên sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh); cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (Quảng Trị); các mặt hàng trọng điểm: đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...
Tại các Cục Quản lý thị trường ở tuyến biên giới Tây Nam sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang); khu vực thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp); cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) với các mặt hàng trọng điểm: thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh trong nội địa sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất.
Hơn nữa, lực lượng chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán và mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
(Theo Vietnam+)