Cuối năm 2020, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ nương từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Sản phẩm được hỗ trợ quảng bá bằng nhiều hình thức. Huyện chú trọng song song giữa mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm khoai sọ.
Nhờ đó, nếu như năm 2020, toàn huyện có khoảng 80 ha khoai sọ nương được trồng ở 10 xã với sản lượng đạt 800 tấn thì đến nay đã có hơn 212 ha, năng suất đạt từ 9 - 11 tấn/ha. Với giá bán mỗi ki - lô - gam từ 13.000 - 18.000 đồng thì trừ chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai sọ đem về cho người nông dân trên dưới 100 triệu đồng.
Chị Sùng Thị Pà ở bản Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Khoai sọ năm nay được mùa, thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua đến đó. Gia đình tôi có 5.000 m2 đất nương vốn trồng lúa kém hiệu quả thì nay đã đem lại thu nhập 50 triệu đồng”.
Có thể thấy, với việc hình thành thương hiệu từ bảo hộ SHTT, sản phẩm có cơ hội để trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm khoai sọ nương; đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xác lập quyền SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Nhờ đó, đến nay, Yên Bái đã có 31 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT; trong đó, 8 sản phẩm Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), 13 sản phẩm Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), 10 sản phẩm Nhãn hiệu tập thể (NHTT). Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, nhìn chung, trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển các sản phẩm này, các chủ sở hữu, cơ quan quản lý hoặc cơ quan được ủy quyền quản lý đã thực hiện đúng theo quy chế, quy trình quản lý được ban hành; đã xây dựng hệ thống các văn bản quản lý và sử dụng TSTT; đã thực hiện việc cấp quyền sử dụng TSTT cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng được yêu cầu; tuyên truyền quảng bá TSTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website, quản lý sản phẩm bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã QR code...
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, khai thác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là việc chưa xây dựng kế hoạch và tiến hành việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHTT, NHCN, CDĐL hàng năm; chưa gắn sản phẩm mang NHTT, NHCN, CDĐL phát triển theo chuỗi giá trị. Hầu hết các cơ quan quản lý chưa bố trí nguồn kinh phí hàng năm để duy trì công tác quản lý, sử dụng và phát triển các TSTT đã được xác lập...
Xác định được những khó khăn, hạn chế, để việc đăng ký, quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển TSTT một cách có hiệu quả, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật và các văn bản có liên quan đến công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT; kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ quan quản lý, chủ sở hữu trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển.
Đối với chủ sở hữu cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các tiêu chí bắt buộc trong quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng theo quy định; trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không sử dụng hoặc thay đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà ngành nghề đó không liên quan đến SHTT thì cơ quan quản lý tiến hành thu hồi giấy chứng nhận (nếu còn thời hạn) theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá, việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code; quản lý và duy trì website, cập nhật tin bài một cách thường xuyên, liên tục; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về SHTT và thực thi quyền SHTT cho cán bộ thực hiện công tác quản lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hoài Anh