Dự kiến tới đây, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được chọn triển khai thí điểm thu phí tự động không dừng (ETC) và không có thu phí thủ công, chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến cao tốc này.
Có khoảng 50% xe sử dụng thu phí tự động
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau 2 giai đoạn lắp đặt, đến nay, cả nước đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc vận hành hệ thống thu phí ETC, hiện có 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), có 30 trạm đã lắp hơn 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn đồng thời vẫn còn trên 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.
"Hiện, cả nước đã có hơn 2 triệu xe ôtô dán thẻ thu phí không dừng nhưng mới có khoảng 50% số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thông tin.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT thiết kế bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn theo quy định vào quý 1/2022. Dự án nào không thực hiện sẽ đóng các làn thu phí thủ công (MTC) để tiến tới tại các trạm thu phí chỉ có 1 làn hỗn hợp ETC và MTC. Tại những làn ETC sẽ không có nhân viên ngồi trong cabin để tránh hiểu lầm cho lái xe.
Là đơn vị phụ trách tuyến đường cao tốc có lượng phương tiện lưu thông lớn nhất cả nước với bình quân khoảng 60.000 lượt xe/ngày, theo ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, sau hơn 1 năm thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC), các phương tiện qua làn nhanh chóng, thuận tiện và không xảy ra ách tắc.
Ông Oánh cho biết từ tháng 6/2020, tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đã thực hiện lắp đặt thu phí tự động ở 40 làn thu phí (đạt 100%) nhưng mới chỉ sử dụng có 18 làn nên chưa tương xứng với số tiền đầu tư. Lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ chỉ chiếm 1/3 tổng số phương tiện lưu thông qua tuyến. Tỷ lệ này phải đạt khoảng trên 70% mới phát huy hiệu quả.
Thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là thu phí không dừng trên tuyến chưa đồng bộ bởi đoạn tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý mới chỉ có 15/40 làn có ETC.
Từ khi dịch vụ thu phí không dừng đưa vào sử dụng, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đánh giá, tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 25% tổng lưu lượng xe trên tuyến.
Để thúc đẩy lượng người dùng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Tổng cục Đường bộ đang chuẩn bị thí điểm sẽ không thu phí thủ công mà hoàn toàn thu phí tự động ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ thu phí hoàn toàn bằng thu phí tự động không dừng, không có thu phí thủ công. Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến cao tốc này.
Xử phạt nghiêm xe không dán thẻ đi vào làn ETC
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước khi thực hiện thí điểm, Tổng cục Đường bộ sẽ tuyên truyền trong 4 tháng để người dân chuẩn bị, dán thẻ ETC để lưu thông trong thời gian từ nay đến hết quý 1/2022.
"Sau thời gian này, xe không có đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và người dân có quyền lựa chọn vì hiện tuyến cao tốc này đã có Quốc lộ 5 chạy song song,” ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt nghiêm xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100. Hiện, Tổng cục Đường bộ đang sửa đổi Nghị định 100 để quy định rõ thế nào là xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC như xe không dán thẻ, tài khoản không có hay không đủ tiền và việc này sẽ thuận tiện hơn cho công tác xử phạt của lực lượng chức năng.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các ngân hàng tiếp tục miễn phí nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng để khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng dịch vụ này.
Về vấn đề này, lãnh đạo VIDIFI cho rằng, nếu thực hiện được thu phí không dừng toàn tuyến sẽ giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí và cũng là biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 rất hữu ích.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại, bảo đảm tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp, hoàn thành trong quý I/2022; khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông.
Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông; xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông.
(Theo Vietnam+)