Công ty Điện lực Yên Bái: Hiệu quả tích cực từ công nghệ sửa chữa điện nóng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2021 | 2:02:33 PM

YênBái - Nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải và hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện của khách hàng, một trong những giải pháp Công ty Điện lực Yên Bái đang triển khai mang lại hiệu quả tích cực, đó là ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng (Hotline) trên đường dây đang mang tải.

Đội Sửa chữa Hotline bảo đảm cấp điện an toàn mang lại hiệu quả cao.
Đội Sửa chữa Hotline bảo đảm cấp điện an toàn mang lại hiệu quả cao.

Trước đây, dù là sự cố nhỏ, ngành điện cũng phải cắt điện mới có thể bảo dưỡng, vệ sinh và thao tác trên lưới điện nhưng từ khi ứng dụng công nghệ sửa chữa Hotline trên lưới 22kV đang mang điện được Công ty Điện lực Yên Bái ( PCYB) triển khai từ quý I/2021 đã góp phần giảm thời gian cắt điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Tận mắt chứng kiến buổi làm việc của Đội Sửa chữa Hotline PCYB đang thực hiện nhiệm vụ thay thế sứ cách điện khu vực thành phố Yên Bái, chúng tôi nhận thấy công tác chuẩn bị bảo đảm kỹ lưỡng, an toàn cho các thành viên trong Đội. 

Anh Lê Mạnh Hà - Đội trưởng Đội sửa chữa Hotline PCYB cho biết: "Đội chúng tôi có 6 thành viên và là những thợ điện được tuyển chọn kỹ càng, có sức khỏe tốt, năng lực chuyên môn cao, trình độ tay nghề giỏi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra”. 

Đội Sửa chữa Hotline được tham gia đào tạo các khóa huấn luyện tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc và được cấp các chứng chỉ về sử dụng xe gàu cách điện, xe khoan - trồng trụ cách điện. Đặc biệt, các công nhân được trang bị nhiều trang thiết bị bảo hộ tuyệt đối an toàn khi làm nhiệm vụ như: găng cao su, vai áo cao su, xe gàu cách điện… Đồng thời, công nhân nắm vững các kiến thức và thuần thục từng kỹ năng thao tác trên lưới điện, bảo quản phương tiện, dụng cụ sửa chữa lưới điện.

Sau khi toàn Đội Sửa chữa Hotline đã trang bị đầy đủ trang thiết bị đồ bảo hộ lao động, chiếc xe gàu bên dưới đưa 2 công nhân đầu tiên lên đỉnh cột cao, họ mang theo những tấm cách điện lần lượt bọc vào đường dây và khu vực sửa chữa và công đoạn quan trọng này diễn ra tuần tự, chỉn chu, kỹ lưỡng. Sau đó, xe gàu hạ 2 công nhân xuống đất và tiếp tục đưa 2 công nhân khác lên đỉnh cột cao trực tiếp thao tác công việc trên đường dây đang mang điện. 

Công việc sửa chữa Hotline phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định là mỗi công nhân chỉ được phép ở trên thùng xe gàu khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó, phải xuống đất thay người khác lên bởi làm việc trong điều kiện thời tiết có khi nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao, mồ hôi ra nhiều ảnh hưởng đến việc sử dụng trang bị cách điện. Đồng thời, công nhân căng thẳng, mất tập trung dễ mắc lỗi nguy hiểm. Mỗi đợt công tác bất kỳ sự cố lớn nhỏ nào Đội Sửa chữa Hotline cũng phải bố trí đủ 6 người để luân phiên thay thế cho nhau. Trong đó, 2 người thực hiện sửa chữa, 2 người giám sát và 2 người hỗ trợ. 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ sửa chữa Hotline đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt như: giảm thời gian cắt điện; cung cấp điện an toàn liên tục phục vụ người dân, doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế, đấu nối thiết bị điện trên đường dây mà không cần phải cắt điện. Tuy nhiên, việc tiến hành sửa chữa Hotline đường dây mang tải còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho đội ngũ thợ điện nên công tác đào tạo, bồi dưỡng thợ điện Hotline luôn nghiêm túc, bài bản. 

Bên cạnh đó, Đội Sửa chữa Hotline thường gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện công việc cải tạo, sửa chữa, đấu nối ở những khu vực địa hình hiểm trở, nhiều vị trí xe gàu không tiếp cận được làm hạn chế công tác sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện. Mặc dù thời gian triển khai công nghệ sửa chữa Hotline chưa lâu, song công nghệ này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực giúp nâng cao chất lượng sử dụng điện. 

Đến hết ngày 31/10, Đội Sửa chữa Hotline đã thực hiện trên 250 phiên làm việc, bình quân mỗi tháng Đội thực hiện 30 phiên. Có thể kể đến các phiên làm việc như: đấu nối trạm biến áp mới đưa vào vận hành; thay, tháo thiết bị kém chất lượng trên lưới điện; thực hiện bọc cách điện, bọc dây dẫn điện phục vụ thi công các đường dây giao chéo… 

Anh Nguyễn Thành Công - công nhân Đội Sửa chữa Hotline PCYB chia sẻ: "Ban đầu khi mới nhận nhiệm vụ tôi còn rụt rè khi phải tiếp xúc trực tiếp lưới điện 22kV. Tuy nhiên, với trang thiết bị cách điện tuyệt đối an toàn được Công ty trang bị và thêm thời gian dài được đào tạo bài bản, trải nghiệm thực tế nên giờ đây tôi đã tự tin làm việc thuần thục, chuyên nghiệp”. 

Thời gian tới, PCYB sẽ tiếp tục đào tạo sửa chữa Hotline bằng phương pháp bệ đỡ cách điện (Platform) để có thể thực hiện nhiều công việc Hotline tại các vị trí xe gàu không tiếp cận được. Tuy mất nhiều thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư, song công nghệ sửa chữa Hotline đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành điện và khách hàng sử dụng điện bởi ưu điểm nổi bật của công nghệ sửa chữa điện nóng là trong quá trình thi công, sửa chữa cũng như các hoạt động bảo dưỡng, đấu nối, thay thế thiết bị trên lưới điện sẽ không gây mất điện phụ tải mà luôn đảm bảo chất lượng điện năng, cung cấp điện ổn định, liên tục phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Bùi Minh

Tags điện lực Yên Bái sản xuất kinh doanh sửa chữa điện nóng an toàn

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục