Bước vào thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021, sản xuất công nghiệp (SXCN) Yên Bái phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng…
Song, với quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đặc biệt, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là điều kiện thuận lợi tiếp tục gia tăng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD), các hoạt động dịch vụ.
Nhờ vậy, SXCN tháng 11 và 11 tháng qua vẫn luôn giữ được nhịp độ sản xuất, mức tăng trưởng khá; triển khai tốt các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại; riêng chương trình khuyến công với 17 đề án với số vốn trên 4.200 triệu đồng; tư vấn phát triển công nghiệp 5 công trình với giá trị gần 400 triệu đồng; hoạt động thương mại được đẩy mạnh, có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang xúc tiến thương mại điện tử và hình thức trực tuyến, các nền tảng số phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cùng với đó, ngành công thương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Yên Bái với các đối tác, doanh nghiệp khu vực châu Á, châu Âu, Hội nghị trực tuyến "Tư vấn tiêu chí xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso.vn, Postmart… góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, cơ sở SXKD tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản, sản phẩm Yên Bái có lợi thế. Yên Bái cũng tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và phát triển, nhất là mạng lưới giao thông, dịch vụ, logistics…
Nhờ vậy, SXCN tháng 11 và 11 tháng qua vẫn luôn giữ được nhịp độ sản xuất, mức tăng trưởng khá. Giá trị SXCN tháng 11 đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 0,82% so với tháng 10/2021; lũy kế 11 tháng giá trị sản xuất đạt 17.643 tỷ đồng, tăng 11,88% so cùng kỳ (tính theo giá so sánh 2010 đạt 12.897 tỷ đồng, đạt 90,8% kế hoạch năm); chỉ số SXCN 11 tháng tăng 9,07% so với năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,05%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 7,29%... Một số sản phẩm có khối lượng và giá trị lớn: điện thương phẩm 1.018.557 triệu Kwh, tăng 10,24%, điện sản xuất 1.499.611 triệu Kwh, tăng 5,68%; ván ghép thanh 5.565 tấn, tăng 23,8%; ván ghép 170.000 m3, tăng 60,68%; xi măng Portland + Clinker 2. 354.239 tấn, tăng 3,76%; sứ cách điện 4.285 tấn, tăng 5,8%; đá CaCo3 hạt + bột đá 1.436.509 tấn, tăng 26,24%; kim ngạch xuất khẩu tháng 11 đạt gần 20 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 207 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ (tương đương 59,4 triệu USD), bằng 93% kế hoạch năm.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: hoạt động SXCN 11 tháng qua duy trì ổn định, hoạt động kinh doanh thương mại dần hồi phục trở lại do thực hiện chính sách nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Các chỉ tiêu của ngành duy trì và có mức tăng trưởng khá. Hiện nay, tỉnh, ngành công thương, đặc biệt là các doanh nghiệp, công ty đang tích cực thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, tăng tốc, đẩy mạnh SXKD hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 và tạo tiền đề cho năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu giá trị SXCN đạt 14.200 tỷ đồng năm 2021, trong tháng 12 các doanh nghiệp, công ty, các địa phương phải nỗ lực cao độ, phấn đấu giá trị sản xuất đạt ít nhất là 1.303 tỷ đồng. Đây là con số không lớn; tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi ngành công thương, các doanh nghiệp, công ty phải thực hiện tốt phòng, chống dịch theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp theo định hướng Nghị quyết 29/NQ-TU, ngày 24/2/2021 về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt các dự án năng lượng (thủy điện, điện mặt trời…), đẩy mạnh sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao cuối năm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến. Khai thác, tận dụng và vận dụng tốt từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước CPTPP, EVFTA0; kết nối khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Mỹ… đặc biệt là dịp cuối năm và các hợp đồng năm 2022.
Ngọc Trúc