Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 1A, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo lệnh khẩn cấp chắc chắn sẽ hoàn thành và kịp đưa vào khai thác vào trước Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long - cơ quan đại diện thay Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án), giai đoạn 1 sửa chữa đường băng 1B (từ ngày 29/6/2020 đã hoàn thành và đưa máy bay khai thác từ ngày 31/12/2020) đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Đối với giai đoạn 2 sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh 1A, Ban Quản lý dự án Thăng Long triển khai thi công từ ngày 1/10/2021. Hiện nay, tiến độ khối lượng bê tông xi măng đạt 90%; trong đó bêtông ximăng của đường cất hạ cánh, các đường lăn (S1, S2, S7 đạt 98,5%), cấp phối đá dăm các loại đạt 76%, kéo rải cáp hạ thế đạt 96,8%...
Các nhà thầu đang tập trung triển khai thi công các hạng mục lắp đặt đèn hiệu, biển báo, đắp đất rải, vuốt nối khu quân sự dự kiến hoàn thành đảm bảo phục vụ công tác bay hiệu chuẩn từ ngày 15-20/1/2022.
"Ban Quản lý dự án Thăng Long đang đôn đốc các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực thi công liên tục 3 ca/ngày đêm phấn đấu cơ bản hoàn thành bê tông xi măng trước ngày 31/12/2021 và đảm bảo khai thác cất cánh theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Các hạng mục thi công đảm bảo chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật dự án,” ông Thái khẳng định.
Ghi nhận tại công trường, liên danh 3 nhà thầu ACC, VINADIC và Trường Sơn đang thi công 24/24 giờ chia làm 3 ca kíp, cao điểm nhất có tới gần 1.000-1.200 công nhân lao động tại công trường và các bãi phụ trợ để nỗ lực tối đa hoàn thành phần xây dựng.
Thiếu tá Nguyễn Trường, Trưởng Ban điều hành dự án của liên danh nhà thầu cho biết so với tiến độ ban đầu đề ra, dự án cải tạo và nâng cấp đường cất hạ cánh 1A vượt hơn 1 tháng.
"Tiêu chuẩn thi công đường băng khác biệt và cao hơn nhiều so với đường bộ bởi chiều dày bê tông cốt thép trung bình là 38cm, độ sụt bêtông bằng 0 và phải bằng phẳng, bêtông cũng chịu được cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350MPa) nên không được đổ vào thời điểm nhiệt độ cao... Do đó, các nhà thầu phải nhập máy rải SP64 hiện đại nhất Việt Nam đặc thù với loại bêtông này để thảm từng tấm với chiều dài 50-60m, chiều rộng 5,62m,” thiếu tá Trường nói.
Theo thiếu tá Trường, các nhà thầu phải tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn, ra vào công trường; công nhân luôn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thẻ an ninh. Nhà thầu đều có bộ phận quản lý chất lượng, ngoài ra tư vấn giám sát và ban điều hành đều có bộ phận chuyên trách để đảm bảo tất cả vật liệu đều được kiểm soát từ mỏ khi đến công trường được chắt lọc và kiểm soát gắt gao lần nữa, sau đó mới sản xuất và đưa vào thi công.
"Thời gian qua, giá vật liệu lên cao (thép, sắt, đá cát ximăng, xăng dầu) chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả nhà thầu, tuy nhiên công trình thực thanh thực chi chỉ định thầu nên có cập nhật giá nhưng không thể sát thực tế giá,” vị Trưởng Ban điều hành dự án của liên danh nhà thầu thừa nhận.
Ông Lê Kim Liệu, Tư vấn trưởng Tư vấn giám sát Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) khẳng định cả hai giai đoạn thi công đường băng 1B và 1A, nhà thầu đảm bảo theo yêu cầu hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn thi công nghiệm thu. Trong số đó, giai đoạn 1 bàn giao theo đúng tiến độ và sau thời gian khai thác qua đánh giá của phi công, hãng hàng không cho thấy chất lượng khai thác ổn định an toàn, tổ lái phản ánh đường băng khai thác êm thuận, sơn kẻ vạch, đèn tín hiệu rõ ràng.
"Trong quá trình thi công, 17 thành viên của Tư vấn giám sát CONINCO liên tục kiểm tra, kiểm soát lấy mẫu thí nghiệm theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn tần suất trong hồ sơ thiết kế, chất lượng các hạng mục đáp ứng yêu cầu thiết kế dự án,” ông Liệu nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, ông Thái cho hay chủ đầu tư hàng tuần kiểm soát bất chợt, lấy mẫu về phòng thí nghiệm nếu không đạt sẽ thay thế ngay nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
"Đây là dự án trọng điểm và thực hiện theo lệnh khẩn cấp nên tất cả trình tự, thủ tục được quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu vốn đã có kinh nghiệm thi công ở một số dự án sân bay trước đó đã có năng lực kỹ thuật về con người, máy móc và năng lực tài chính nên đến nay dự án đảm bảo tiến độ đề ra,” ông Thái nói.
Đề cập đến việc phòng ngừa dịch COVID-19 trong bối cảnh nhân công lao động đông, trong khi tiến độ hoàn thành rất gấp gáp, theo ông Thái, Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thành lập Tổ phòng chống COVID-19, hằng ngày đều kiểm tra test COVID-19 ngẫu nhiên công nhân viên tham gia thực hiện dự án và có báo cáo về Tổ này.
Ngày 29/6/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước..., với tổng mức đầu tư là 2.031,6 tỷ đồng. Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021 và hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.
Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030 đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm.
|
(Theo Vietnam+)