Thời gian qua, giá thức ăn và các chi phí tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất; sản phẩm tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tác động bất lợi của thời tiết... đã gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB), tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định; sản phẩm chăn nuôi cung cấp ra thị trường vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh.
Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là hiện nay dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.
Anh Trần Văn Hưng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Để đáp ứng nguồn cung thịt gà vào các tháng cuối năm, gia đình tôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp PCDB: định kỳ tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tránh để vật nuôi tiếp xúc với môi trường bên ngoài; tiêm vắc - xin định kỳ; bảo đảm chế độ về thức ăn sạch, uống sạch... nên dù còn gặp nhiều khó khăn do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, tiêu thụ chậm, nhưng hiện nay hầu hết số lượng gà trong trang trại của tôi đã được thương lái đặt mua để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm”.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến đầu tháng 10/2021, tổng đàn gia súc chính đạt 642.740 con, tăng 8,9% so với cùng kỳ; trong đó, đàn trâu đạt 91.079 con, giảm 2,8% so với cùng kỳ, đàn bò 34.685 con, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đàn lợn đạt 516.976 con, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân đàn trâu giảm là do hiện nay diện tích chăn thả bị thu hẹp và nông dân hiện chủ yếu sử dụng máy móc sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu dùng trâu làm sức kéo cũng giảm; người dân ít có nhu cầu nuôi trâu thương phẩm. Đàn gia cầm ước đạt gần 7 triệu con, tăng 7,7%; trong đó, đàn gà trên 6 triệu con, tăng 6,8%. Với số lượng vật nuôi trên, về cơ bản sẽ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và xuất bán ra thị trường các tỉnh khác vào dịp cuối năm.
Theo nhận định chung, so với mọi năm, năm nay, người chăn nuôi khá dè dặt tái đàn, tăng đàn, bởi hiện tại giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá gia súc, gia cầm thấp. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19 nên dự báo sức tiêu thụ dịp tết Nguyên đán sẽ hạn chế hơn các năm trước.
Để bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCDB trên đàn gia súc, gia cầm; tích cực thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh; khuyến cáo người chăn nuôi tính toán kỹ việc duy trì đàn lợn với số lượng hợp lý.
Tăng cường các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của lợn và đẩy mạnh việc tự phối trộn thức ăn dựa trên các nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành sản xuất; tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại; tăng cường áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý việc tăng đàn, tái đàn và chỉ thực hiện việc tăng đàn, tái đàn tại các cơ sở, hộ chăn nuôi bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và xuất bán ra tỉnh ngoài.
Cần áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất con giống; trong đó, đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, tạo ra các con lai có giá trị; lựa chọn tinh lợn đực giống có năng suất, chất lượng cao để phối giống cho lợn nái, tạo đàn lợn nuôi thịt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Quang Thiều