Bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, ngành nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi cũng không dám kỳ vọng quá nhiều. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, ngành chăn nuôi vẫn giành thắng lợi.
Tổng đàn gia súc chính ước 752.500 con, đạt 100% so với kế hoạch (KH) (đàn trâu 99.950 con, đàn bò 35.390 con, đàn lợn 616.960 con). Tổng đàn gia cầm 6.655.000/6.400.000 con theo KH, đạt 104% KH năm 2021. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 71.530 tấn/58.000 tấn KH, đạt 123,3% KH năm 2021, trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính ước 56.350 tấn/47.600 tấn theo KH, đạt 118,3% KH năm 2021.
Đó là những con số ấn tượng không phải địa phương nào cũng làm được trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh cũng như khó khăn từ giá nguyên vật liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm. Đạt kết quả ngoài mong đợi, không thể không nói đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi đã chủ động chăn nuôi theo hướng an toàn, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong năm, toàn tỉnh đã tiêm trên 50.000 liều tụ huyết trùng trâu bò và trên 90.500 liều tụ huyết trùng lợn, 101.000 liều dịch tả lợn và tiêm vắc-xin được 35.959 liều tụ huyết trùng trâu bò, 66.421 liều tụ huyết trùng lợn, 70.599 liều dịch tả lợn, 72.474 liều lở mồm long móng.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại gốc, tại các chợ hạn chế phát sinh dịch bệnh. Theo đó, có tác động không nhỏ từ cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi nói riêng theo chuỗi giá trị liên kết (doanh nghiệp - chăn nuôi gia công, doanh nghiệp - hợp tác xã - nông hộ), ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết số ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm 5 dự án với kinh phí đầu tư 1 tỷ 600 triệu đồng, đạt 125% KH.
Chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ, nghiệm thu và giải ngân được 1.051 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ trên 25.520 triệu đồng. Trong đó, có 18 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con trở lên, 157 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con, 84 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp 5 nái + 50 lợn thịt, 362 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con, 74 cơ sở chăn nuôi gia cầm đặc sản có quy mô từ 300 con/cơ sở trở lên, 264 cơ sở chăn nuôi lợn nội, có quy mô 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt/cơ sở, 92 cơ sở chăn nuôi dê có quy mô từ 30 con trở lên...
Bên cạnh đó, triển khai phối giống ước được 4.600 liều phối đạt KH 3.500 liều cho trâu, bò cái sinh sản, kinh phí 1.569,9 triệu đồng đạt 131% KH, đạt 100% KH sau điều chỉnh (KH sau điều chỉnh 4.600 liều phối đạt). Có thể nói, mức hỗ trợ theo Nghị quyết 69 thì không phải quá lớn, nhưng trong lúc dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi đang khó khăn thì đó là một cú huých, là động lực quan trọng tiếp thêm niềm tin cho người chăn nuôi.
Gia đình anh Trần Ngọc Quỳ ở thôn Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh, cùng với nguồn vốn của gia đình anh đã mở rộng chăn nuôi và hiện có 12 con trâu. Chăn nuôi trâu đã thực sự trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình và chỉ một, hai năm nữa đàn trâu sinh sản sẽ là cơ hội cho gia đình vươn lên khá giả và làm giàu bền vững.
Chị Hoàng Thị Linh ở thôn 3, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình là một trong hàng ngàn hộ gia đình được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh phấn khởi nói: "Là hộ thuần nông, trước đây gia đình chỉ quen với chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa lợn chỉ nuôi từ 5-7 con. Năm 2021 có chính sách hỗ trợ với mức 40 triệu đồng, gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, đầu tư con giống lên quy mô nuôi 100 con/lứa. Nhờ mở rộng quy mô chăn nuôi, từ đầu năm đến nay gia đình đã xuất bán 2 lứa lợn, sau khi trừ chi phí cũng để ra được trên 150 triệu đồng”.
Không riêng gia đình anh Quỳ, chị Linh mà Yên Bái còn có hàng ngàn hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã năng động, dám nghĩ, dám làm và biết vận dụng sáng tạo, phát huy tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất nói chung và chăn nuôi nói riêng theo hướng hàng hóa và thị trường một cách ổn định và bền vững.
Thanh Phúc