Trong suốt chặng đường 57 năm hình thành và phát triển, với điểm xuất phát thấp về mọi mặt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, số hộ nghèo cao nhưng với tinh thần tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Đến nay, diện mạo, hạ tầng ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, kinh tế tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng.
Nắm bắt lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, huyện Văn Yên đã chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, Văn Yên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra mô hình trình diễn giống lúa ST25 và Bắc thơm 7 tại thôn Trung Tâm, xã Yên Phú.
Cùng với xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, Văn Yên đã triển khai các mô hình thử nghiệm mới có tiềm năng, năng suất cao và giá trị kinh tế lớn vào trồng trọt, chăn nuôi; đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản toàn huyện năm 2021 đạt trên 2.436 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 57.600 nghìn tấn.
Cùng với đó, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Năm 2021 với 3 dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị và 253 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản, hữu cơ được hỗ trợ kinh phí trên 7,6 tỷ đồng, Văn Yên được đánh giá là địa phương có số lượng mô hình đăng ký lớn nhất tỉnh Yên Bái, đảm bảo các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ.
Chăn nuôi từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng trang trại. Tổng đàn gia súc chính toàn huyện hiện có gần 128 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 13.700 tấn, vượt 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, Văn Yên đã phát triển mạnh kinh tế rừng, chủ lực là cây quế. Là "thủ phủ" của cây quế với diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, đến nay, Văn Yên có diện tích quế trên 47 nghìn ha, sản lượng khai thác quế vỏ khô hàng năm đạt khoảng 9.500 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh, sản lượng tinh dầu quế đạt trên 300 tấn, sản lượng gỗ quế khoảng 60 nghìn m3/năm.
Mặc dù dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp quế trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo sản xuất và tăng trưởng.
Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh, mở rộng thị trường đầu ra và bền vững, Văn Yên đã triển khai hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trong năm 2021, Văn Yên có 06 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm "Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát - Nà Hẩu” đạt OCOP 4 sao, nâng tổng số lên 21 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Dự kiến đến hết năm 2021 có thêm 4 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên. Đến nay, Văn Yên cũng là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trong các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái.
Bà Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc doanh nghiệp Trà thảo mộc Quế Phát cho biết: được sự quan tâm của huyện, doanh nghiệp đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao mang đặc trưng thương hiệu quế Văn Yên; đó là Trà quế, nước rửa chén, nước lau sàn quế, Quế Phát tinh dầu quế và Quế Phát hương quế Văn Yên. Các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19, Văn Yên đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư vào địa bàn, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của huyện. Mặt khác, huyện đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển khai các biện pháp quyết liệt chống thất thu ngân sách.
Đến nay, toàn huyện có 234 doanh nghiệp, 95 hợp tác xã và 632 tổ hợp tác. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá mạnh, một số lĩnh vực có bước phát triển đột phá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt gần 2.500tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 4 triệu USD, bằng 108,4% kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 dự ước đạt 256 tỷ đồng, bằng 113,2% kế hoạch tỉnh giao, bằng 107,6% chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao.
Năm 2021, huyện Văn Yên có 253 cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Nét chấm phá trong bức tranh kinh tế của Văn Yên những năm qua là chương trình xây dựng nông thôn mới. Bằng sự chỉ đạo triển khai tích cực, quyết liệt với nhiều giải pháp và cách làm linh hoạt, sáng tạo, huy động được sức dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở các xã xây dựng NTM được đầu tư theo hướng kiên cố, khang trang.
Đến nay, toàn huyện đã có 15/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương đã khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; giao thông nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng hoàn thiện, thuận lợi phục vụ người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, kích thích sản xuất phát triển.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, bước đầu có phát triển tích cực. Năm 2021, toàn huyện có 822 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 50 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2020.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2021, huyện Văn Yên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 13/16 chỉ tiêu kinh tế hoàn thành vượt mức.
Đồng chí Luyện Hữu Chung- Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên cho biết: xác định mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ khó, nhiệm vụ quan trọng nhất trong các nhiệm vụ nên trong thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Riêng với lĩnh vực kinh tế, huyện tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; tích cực ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; chú trọng thu hút doanh nghiệp, phát triển mạnh hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến nông lâm sản; đặc biệt ưu tiên các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ quế thành các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý để thu hút phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc, lễ hội truyền thống để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Qua chặng đường hơn nửa thế kỷ, huyện Văn Yên hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng văn minh. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tiếp tục đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng huyện Văn Yên phát triển "xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc", phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Hồng Vân