Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái và lãnh đạo một số sở ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của FAO đối với tỉnh Yên Bái thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Thế Phước đã thông tin nhanh về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển cây quế và lĩnh vực chế biến tinh dầu quế; về mục tiêu phát triển Yên Bái theo hướng "xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc".
Vì vậy,Yên Bái mong muốn FAO hỗ trợ tỉnh khai thác tối đa hiệu quả của kinh tế rừng, nhất là phát triển kinh tế dưới tán rừng với chủ trương phát triển cây dược liệu, nuôi ong, du lịch sinh thái…, xây dựng và duy trì hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển rừng trồng FSC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước tiếp và làm việc với Đoàn đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước khẳng định, tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường thúc đẩy phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; mong muốn FAO tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa để tỉnh nâng cao năng lực sản xuất nông lâm nghiệp, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tiến tới xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, trong đó có sản phẩm quế, nâng cao giá trị sản xuất, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Thay mặt đoàn công tác, ông Rê-mi Nô-nô Gô-đim - Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của lãnh đạo tỉnh Yên Bái dành cho đoàn và cho biết, thời gian qua FAO đã tài trợ nhiều dự án cho Việt Nam, trong đó có tỉnh Yên Bái. Dự án tài trợ góp phần giúp các tỉnh của Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Rê-mi Nô-nô Gô-đim - Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam nhận quà lưu niệm của tỉnh Yên Bái.
Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho biết, qua chuyến khảo sát thực tế tại Yên Bái cho thấy tỉnh đã có sự chủ động tốt trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đã có sự liên kết giữa các nông hộ thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).
Đối với cây quế, tỉnh đã có quy hoạch hợp lý về trồng, chế biến tinh dầu. Để phát triển hơn nữa bằng sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ, FAO sẽ nghiên cứu để có những hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh phù hợp nhất, giúp ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển hơn nữa, không chỉ sản phẩm quế mà còn các nông sản khác.
Trước đó, sáng 15/12, Trưởng đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại HTX Quế hồi, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Đây là HTX đã được Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại (FFF) hỗ trợ phát triển 500 ha quế hữu cơ được cấp chứng chỉ FSC và xây dựng 1 nhà máy chế biến quế.
Hiện HTX có 23 thành viên chính thức và hơn 700 hộ nông dân kí kết tham gia. Năm 2020, HTX đã chế biến 120 tấn quế khô, doanh thu ước đạt gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Tại buổi làm việc, các thành viên HTX mong muốn FAO tiếp tục có các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức trồng rừng về khả năng sản xuất, kinh doanh; tạo cơ chế, chính sách thông qua các diễn đàn đa ngành; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập và đời sống nông dân...
Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam tham quan các sản phẩm quế của HTX Quế hồi Đào Thịnh.
Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam tham quan vườn quế của các thành viên HTX Quế hồi.
Minh Huyền - Mạnh Cường