Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, những năm qua, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân cải tiến, đổi mới thiết bị công nghệ chế biến gỗ rừng trồng; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm được chế biến từ gỗ rừng trồng; trên cơ sở xem xét khả năng, năng lực sản xuất đã lựa chọn các cơ sở đóng trên địa bàn là các đơn vị có phương án cụ thể mang tính chiến lược lâu dài.
Ngoài những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, huyện thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), chế biến lâm sản thực hiện SXKD đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, UBND huyện giao cho Hạt Kiểm lâm huyện và UBND các xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ theo tháng, quý, năm. Tại các địa phương có rừng, các trạm kiểm lâm địa bàn, thường xuyên bám sát tình hình khai thác rừng trồng, số lượng các cơ sở chế biến và đăng ký kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ.
Ồng Đỗ Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên cho biết: từ tháng 10/2020 đến tháng hết tháng 9/2021, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách 26,5 triệu đồng. Cùng với kiểm tra, thanh tra, Hạt Kiểm lâm huyện còn chỉ đạo kiểm lâm địa bàn làm tốt việc tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản về Luật Lâm nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và các văn bản liên quan; để các cơ sở SXKD, chế biến lâm sản và nhân dân thực hiện.
Tuy nhiên, do các cơ sở SXKD, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện quy mô còn nhỏ và mang tính tự phát, nhiều cơ sở thực hiện chưa tốt các quy định của Nhà nước về hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp, chưa cập nhật số liệu thường xuyên vào sổ theo dõi nhập xuất lâm sản. Nguyên nhân, do nhận thức của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành.
Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với Công an huyện và các cơ quan liên quan thường xuyên thống kê, kiểm tra, theo dõi hoạt động SXKD, chế biến lâm sản của các cơ sở trên địa bàn.
Cùng đó, chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường kiểm tra các khu vực rừng trọng điểm, vùng rừng giáp ranh để ngăn chặn khai thác gỗ tự nhiên đưa vào SXKD, chế biến lâm sản tại các cơ sở chế biến gỗ; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm chuyển biến nhận thức về bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi về phá rừng trái pháp luật, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trên địa bàn.
Đồng thời, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm tra vận chuyển lâm sản của các cơ sở SXKD, chế biến lâm sản, kiên quyết xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 các cơ sở SXKD, chế biến lâm sản trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Theo các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, những năm trước đây gỗ nguyên liệu có đường kính 7 - 10 cm có giá từ 700.000 đồng - 800.000 đồng/m3, nhưng từ năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu tăng thêm 200.000 đồng - 300.000 đồng/m3; trong khi đó, giá ván bóc, thang dát bán ra lại thấp nên phần lớn các cơ sở đều chỉ sản xuất nhỏ lẻ hoặc tạm dừng sản xuất.
Do đó, tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ về vốn và tư vấn pháp luật, thông tin thị trường cho các cơ sở SXKD, chế biến lâm sản, đảm bảo nền tảng về vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm để tránh rủi ro, thiệt hại trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Đồng thời, phát triển nghề có định hướng, chọn lọc để SXKD đạt hiệu quả, bền vững. Cùng đó, các cơ sở chế biến gỗ cần đẩy nhanh đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, tiết kiệm nguyên liệu.
Văn Thông