Khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2021 | 7:42:11 AM

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Thông báo nêu: Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID”, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, trong khi Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Tại thời điểm ngày 26/12/2021 có khoảng hơn 5.000 xe container hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh; khó khăn không chỉ khu vực cửa khẩu biên giới phía Việt Nam, đây cũng là khó khăn tại cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc (hiện có khoảng gần 4.000 xe nằm chờ ở khu vực cửa khẩu).

Đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh biên giới đã tích cực, chủ động vào cuộc từ rất sớm với tinh thần trách nhiệm cao; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương; gần đây nhất, trước tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có chỉ đạo tại văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn chưa được khắc phục, nếu để tiếp tục kéo dài sẽ càng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021 và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ có liên quan, trong đó lưu ý tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Về giải pháp trước mắt: Mục tiêu là giải phóng trong thời gian sớm nhất hơn 5.000 xe hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các địa phương tỉnh biên giới phía bắc tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi tăng thời gian thông quan và lượng hàng hóa thông quan.

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu đánh giá tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn, quyết định điều phối và thông báo cho các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng hoặc cho phép tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới; bảo đảm không để ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Các Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công Thương, Ngoại giao phối hợp với các tỉnh biên giới và cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hàng hóa từ phía cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc sớm nhập khẩu về Việt Nam.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng "vùng xanh”, "luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.

Về giải pháp lâu dài: Các địa phương chủ động tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dân để chủ động có phương án sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ phù hợp, hiệu quả.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa thực hiện theo quy định hiện hành và các cam kết quốc tế, bảo đảm giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, gian lận thương mại.

Các địa phương biên giới phía bắc chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kho bãi, bố trí địa điểm tập kết hàng hóa và phương tiện không quá gần cửa khẩu để hạn chế ùn tắc, kiểm soát, kiểm dịch từ xa.

(Theo VOV)

Các tin khác
Từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của họ chính thức được tăng theo Nghị định 108 của Chính phủ (Ảnh minh họa)

Tháng đầu tiên của năm mới đánh dấu nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, ảnh hưởng tới đông đảo người dân, trong đó có: tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; ấn định mức lãi suất cho vay mua nhà ở; thời gian điều chỉnh giá xăng... và một số chính sách mới đáng chú ý khác.

Chương trình OCOP đã từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế để phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân; đồng thời đẩy mạnh số hoá các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Một số sản phẩm OCOP của HTX Thái Sơn

Đến nay, huyện Lục Yên đã có 12 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Vụ xuân năm 2022, huyện Yên Bình phấn đấu gieo cây 2.100 ha lúa và phấn đấu năng suất đạt trên 54,2 tạ/ha, sản lượng đạt 11.400 tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục