Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Thanh Nam nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ tổ chức sáng 6-1.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm, trồng tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
"Với khoảng 300.000 tấn thanh long thu hoạch từ nay đến tháng 3, trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn, chúng ta phải tìm đầu ra cho sản phẩm này" - ông Tùng nói.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết, dự kiến trong quý 1-2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số doanh nghiệp nơi ngừng thu mua thanh long, giá giảm khá sâu. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, việc xuất khẩu, tiêu thụ rất khó khăn.
"Trước mắt, tỉnh định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc và kết nối các tỉnh bạn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ thanh long", ông Tấn nói.
Ông Tấn cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để sớm mở cửa trở lại, có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết từ nay đến tết Nguyên đán, Long An có khoảng 26.000 tấn cho thu hoạch. Số này sản xuất chủ yếu bán sang Trung Quốc. Hiện nay, thanh long Long An đang bán loại 1 giá 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 10.000 đồng/kg, loại 3 giá 5.000 đồng/kg
"Đề nghị Bộ ngoại giao trao đổi với phía Trung Quốc, đảm bảo việc thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước, khi có thay đổi chính sách hàng hóa xuất nhập khẩu thì có thông báo trước ít nhất 15 ngày để doanh nghiệp chuẩn bị", ông Trịnh nói.
Ông Trịnh cũng đề nghị xúc tiến mạnh hơn các thị trường nước ngoài và thị trường trong nước như các doanh nghiệp chế biến, hệ thống phân phối, siêu thị để đồng hành cùng người dân trồng thanh long.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, đồng thời, cần thay đổi tư duy phụ thuộc vào một thị trường sang tư duy đa dạng thị trường.
Theo ông Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã rất tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn khi nông sản ùn ứ. Tuy nhiên, khó khăn trong thời gian tới còn rất lớn.
Ông Nam đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có diễn đàn kết nối, xúc tiến thương mại tại địa phương để thu hút doanh nghiệp tham hỗ trợ chế biến, tiêu thụ.
"Vừa qua, thương nhân Trung Quốc có mặt ở Bình Thuận để thu mua thanh long rất nhiều. Do đó, địa phương cần có giải pháp, vận động thương nhân đảm bảo thu mua theo ký kết, hoặc thông tin để chúng ta chủ động, chứ không để khi ngưng thì bỏ của chạy lấy người" - ông Nam nói và cho rằng cần phối hợp để cùng tháo gỡ, chứ không đổ thừa trách nhiệm cho ai cả.
(Theo TTO)