Gia đình anh Hà Công Hữu ở thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn vừa được nhận Bằng khen của UBND tỉnh khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020. Gia đình anh Hữu là hộ nghèo từ năm 2015, nguyên nhân nghèo là do thiếu vốn và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Anh Hữu chia sẻ: "Lúc ấy, tôi được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện cùng với vốn vay từ người thân mua 4 con trâu, bò và 1.000 con gà giống lai Đông Tảo. Ngoài ra, gia đình tôi còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; hỗ trợ làm chuồng trại…”.
Sau 3 năm được vay vốn, đến năm 2018, kinh tế gia đình anh Hữu đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ 4 con trâu, bò nay đã sinh sản thành 8 con, anh Hữu bán 2 cặp, thu về 50 triệu đồng. Ngoài ra, 1.000 con gà lai Đông Tảo mỗi lứa, một năm nuôi 2 lứa, mỗi con cũng cho thu lãi 35.000 đồng, nâng tổng thu nhập của gia đình anh Hữu sau khi trừ chi phí đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Từ đó, gia đình anh có thu nhập, có tích lũy và xây dựng được căn nhà cấp 4 kiên cố, mua sắm được thêm các tài sản phục vụ sản xuất và sinh hoạt nên đã làm đơn xin thoát nghèo và được chính quyền địa phương xác định đủ điều kiện thoát nghèo. Tiếp tục cần mẫn, kiên trì phát triển và mở rộng sản xuất, đến nay, gia đình anh Hữu có 1.500 m2 nuôi thả cá, 2 con bò, 5 con lợn nái sinh sản và 50 con lợn thịt, gần 200 con gà, ngan, tổng thu nhập đạt gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ có gia đình anh Hữu, từ năm 2016 - 2021, đã có trên 100.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Từ nguồn vốn này, giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 54.936 ha rừng, 5.374 ha chè, 1.100 ha cây ăn quả; chăn nuôi 46.266 con trâu, bò, 63.264 con lợn, dê, hàng trăm ngàn con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 25.224 công trình nước sạch, 25.211 công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn; 713 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; hỗ trợ 2.923 hộ nghèo làm nhà ở; tạo thêm 5.130 việc làm mới cho người lao động...
Xác định nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước là "đòn bẩy" giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo, những năm qua, Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo, hộ chính sách; phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách hộ có nhu cầu; thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn.
Hết năm 2020, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, tổng doanh số cho vay đạt hơn 3.809 tỷ đồng, cho vay mới 109.654 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Năm 2021, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 1.000 tỷ đồng với 20.682 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi. Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 3.600 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ các chương trình là trên 80.000 hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hàng năm từ 4 - 5%, tỷ lệ hộ thoát nghèo bền vững ngày càng cao. Năm 2021, toàn tỉnh còn 4,76% hộ nghèo, giảm 27,45% so với năm 2016.
Hoài Anh