Chờ Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII dù đã được khởi động từ nửa cuối năm 2019, nhưng tới nay vẫn chưa có mốc thời gian phê duyệt đang khiến nhiều dự án truyền tải điện nhấp nhổm vì không có căn cứ triển khai.
Trong báo cáo gửi Bộ Công thương về việc bổ sung các công trình lưới điện truyền tải cấp bách vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã chủ động nghiên cứu, tính toán và báo cáo đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cấp thiết.
Các lần báo cáo của EVN theo liệt kê là vào ngày 10/7/2020, ngày 1/12/2020, ngày 12/5/2021 và 23/11/2021.
Tại những báo cáo này, EVN và các đơn vị tư vấn đã rà soát, tính toán và đưa ra khoảng 50 công trình truyền tải nhằm đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo đã được Bộ Công thương cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021.
Sau nhiều lần rà soát lại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, đã nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư truyền tải lớn, với kế hoạch lên tới 33 tỷ USD trong 10 năm, từ 2021-2030. Đây là con số rất lớn nếu so với thực tế đầu tư của giai đoạn 2010-2020 chỉ là khoảng 12 tỷ USD về hạ tầng đường dây. Chính vì vậy, trên cơ sở rà soát lại đã cắt giảm đi khoảng 13 tỷ USD đầu tư cho đường dây.
(Phát biểu của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương) |
Cụ thể, nhóm các công trình phục vụ giải tỏa nguồn điện năng lượng tái tạo gồm có 4 công trình ở Bắc Trung bộ, 13 công trình tại khu vực Nam Trung bộ, 14 công trình ở khu vực Tây Nam bộ và 3 công trình ở khu vực Tây Nguyên.
Cạnh đó, có 2 công trình đấu nối phục vụ việc nhập khẩu điện từ Lào về, 3 công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn thủy điện, 9 công trình cấp điện cho miền Bắc và 3 công trình trọng điểm khác.
Theo quy trình, thì các dự án lưới điện truyền tải này phải có trong quy hoạch điện được công bố thì mới có thể triển khai các bước đầu tư.
Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu rà soát về định hướng cơ cấu, các loại hình nguồn điện phù hợp cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, nên kết thúc năm 2021 vẫn chưa được phê duyệt.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2022 (ngày 9/1/2022), Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho hay, năm nay sẽ phải tập trung làm Quy hoạch điện VIII, không để chậm quá, nhưng phải làm chắc, kỹ càng, bảo đảm hiệu quả nhất, tránh tình trạng đầu tư không hợp lý về đường dây, cơ cấu nguồn điện.
Điều này cũng đồng nghĩa là các dự án truyền tải thuộc diện cấp bách chưa có trong Quy hoạch Điện VII và VII điều chỉnh sẽ lại vẫn tiếp tục phải chờ căn cứ pháp lý mới có thể triển khai đầu tư được.
Lo có nguồn nhưng thiếu dây
Tới thời điểm hiện nay, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được đưa vào vận hành lên tới 20.350 MW, gồm 3.987 MW điện gió, khoảng 8.700 MW điện mặt trời và khoảng 7.664 MW điện mặt trời mái nhà.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo này cũng chiếm khoảng 27% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống (khoảng 76.000 MW).
Việc năm 2021 có thêm 3.400 MW điện gió mới được đưa vào vận hành tiếp tục tăng áp lực lên lưới điện giải tỏa các nguồn điện ở các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.
Theo EVN, các dự án lưới điện cấp thiết đã được EVN kiến nghị hồi tháng 5/2021 cần sớm được bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư nhằm nâng cao năng lực truyền tải, đảm bảo cung cấp điện và giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và các nguồn điện khác đang được triển khai đầu tư với tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh các dự án truyền tải liên quan đến giải tỏa công suất của năng lượng tái tạo, EVN cũng cho hay, theo tính toán cân đối cung cầu thì sau năm 2022, việc cấp điện cho các tỉnh miền Bắc hết sức khó khăn và có nguy cơ thiếu điện ở một số thời điểm. Để khắc phục tình trạng này, EVN cũng đưa giải pháp là tăng cường nhập khẩu điện của Lào, giải tỏa công suất các dự án thủy điện Tây Bắc.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là phải bổ sung quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ một số dự án lưới điện.
Bởi vậy, EVN đã đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung và điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, các công trình lưới điện cấp bách cần đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025 như đã báo cáo.
(Theo Đầu tư)