Lào Cai khuyến cáo hạn chế đưa nông sản lên cửa khẩu, Lạng Sơn ngừng tiếp nhận từ 17-1

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2022 | 7:41:36 AM

Để tập trung giải phóng lượng lớn hàng hoá đang ùn ứ, các tỉnh phía Bắc khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhận hạn chế vận chuyển nông sản lên cửa khẩu.

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, buộc phải quay lại tiêu thụ nội địa với giá rất thấp
Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, buộc phải quay lại tiêu thụ nội địa với giá rất thấp

Ngày 13/1, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, TP; các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai về việc hạn chế vận chuyển nông sản lên cửa khẩu Kim Thành thuộc địa bàn tỉnh này.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, ngày 12/1, phía Trung Quốc đã khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng vận chuyển bằng container lạnh từ Việt Nam, tuy nhiên năng lực thông quan còn hạn chế.

Trong khi đó, lượng xe hàng chở nông sản di chuyển từ Lạng Sơn, các tỉnh vùng trồng trái cây lên cửa khẩu Kim Thành ngày càng tăng. Tính đến sáng 13/1, đã có trên 200 xe trái cây đang chờ tại Lào Cai để làm thủ tục thông quan. "Với tốc độ thông quan như hiện nay thì khả năng ùn ứ hàng hóa trong những ngày tới là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp" - Sở Công Thương Lào Cai nhận định.

Do đó, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, TP và các thương nhân có hàng hóa xuất khẩu tiếp tục theo dõi và trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai và cập nhật tình hình, số lượng hàng hóa, phương tiện thông quan, số lượng phương tiện tồn tại cửa khẩu Kim Thành.

Cơ quan này cũng khuyến cáo doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản từ nay đến trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần hạn chế đưa hàng hóa lên cửa khẩu Lào Cai để địa phương này tập trung cùng các tỉnh biên giới phía Bắc tháo gỡ, giải phóng lượng hàng trái cây đang tồn đọng tại Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, các doanh nghiệp cần cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng hóa lên cửa khẩu tỉnh Lào Cai trong thời gian này và chủ động trong phương án tiêu thụ hàng hóa nông sản trong thị trường nội địa.

* Tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 13-1, lượng xe chở hàng hóa xuất đi Trung Quốc còn tồn tại khu vực 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là 1.521 xe.

Để tập trung giải phóng lượng hàng hóa đang ùn ứ, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản thông báo tới UBND các tỉnh, TP về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu, bắt đầu từ ngày 17/1.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng hàng hóa từ nội địa lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh rất lớn trong khi khả năng thông quan hàng xuất khẩu trong ngày chưa tăng thêm, cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu hoa quả là Tân Thanh vẫn đang tạm dừng hoạt động.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trung bình một ngày số lượng xe xuất khẩu chỉ đạt 80-100 xe (trong đó có 50- 60 xe hoa quả). Với tốc độ thông quan như trên, để giải phóng hết hàng hóa là hoa quả đang tồn ở các bến bãi cửa khẩu của tỉnh sẽ cần 13-15 ngày, chưa kể hàng hóa đang tiếp tục đưa lên chờ xuất khẩu.

Tỉnh Lạng Sơn đề nghị UBND các tỉnh, TP có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân về việc tạm thời dừng đưa mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai công tác kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch.
(Theo NLĐO)

Các tin khác
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Phó Thủ tướng yêu cầu không được để thiếu vật tư, thiết bị đối với công tác lắp đặt, chạy thử các hệ thống, đặc biệt là không để thiếu tài chính trong lúc dự án đang vào giai đoạn nước rút.

Cục Hàng không Việt Nam nâng cấp độ kiểm soát an ninh hàng không lên cấp độ 1 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Từ ngày 24/01/2022 đến hết ngày 11/02/2022, Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không trên toàn quốc.

Xây dựng các công trình thủy điện cần đảm bảo phòng chống thiên tai, lũ lụt. Ảnh minh họa

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội được thực hiện theo hướng kết hợp đa mục tiêu để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài.

Nghị định số 09/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế; bổ sung 2 điều kiện để công nhận nhà thầu đạt tư cách hợp lệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục