Có thể nói, khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020, Trấn Yên gặp không ít khó khăn, bởi toàn huyện có 22 xã, thị trấn thì có tới 10 xã thuộc vùng khó khăn và có trên 6.100 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên 25,48%, bằng 79% so tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Phần lớn tập trung ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mức thu nhập bình quân chung toàn huyện mới chỉ đạt 25 triệu đồng/người/năm.
Từ thực tại đó, Trấn Yên xác định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là nền tảng quan trọng để tạo ra những chuyển biến tích cực, thiết thực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó là bám sát, vận dụng linh hoạt và thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu XDNTM trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện cụ thể hóa công tác giảm nghèo vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020; ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm hàng năm tới cấp ủy các xã, thị trấn, giao các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách xã, thị trấn theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo, coi đây là một trong những căn cứ đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác giảm nghèo.
Tuyên truyền cho các hộ nghèo hiểu rõ nguyên nhân nghèo, từ đó thay đổi từ nhận thức đến hành động, phát huy tính tự lực, tự cường, tự trọng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng tre măng Bát độ, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng trồng chè, vùng trồng cây lâm nghiệp gỗ lớn, vùng trồng dâu nuôi tằm...
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, năng động, dám nghĩ dám làm, đổi mới các hình thức phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nhờ vậy năm 2020, Trấn Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM, đến nay, huyện đã có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 67 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 35,2% tổng số thôn toàn huyện. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 41,5 triệu đồng, tăng 16,5 triệu đồng so với năm 2015.
Các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Nhà nước được triển khai đồng bộ, kết hợp với sự nỗ lực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững của huyện.
Kết quả, giai đoạn 2016-2020, huyện đã giảm 5.522 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 4,69%/năm; năm 2021 tiếp tục giảm 215 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 1,16%. Kết quả trên có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn huyện trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Để công tác giảm nghèo ngày một hiệu quả, bền vững hơn nữa, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Trấn Yên tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có dự án quy mô lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tạo việc làm, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm mới, tư duy mới trong sản xuất, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Ngọc Trúc