Mùa xuân Canh Tý 1960 Bác đến Công viên Thống Nhất tham gia cùng nhân dân Thủ đô trồng cây chính thức khởi xướng và phát động Phong trào "Tết trồng cây”, tạo thành một mỹ tục đẹp của dân tộc ta. Để có được một phong trào, truyền thống tốt đẹp ấy, Bác đã phải dày công tổ chức, chỉ đạo, gây dựng, trở thành bài học rất quý báu đáng suy nghĩ với hoạt động cách mạng.
Để định hướng Phong trào, trong hơn 10 năm Bác đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan đến hoạt động trồng cây, trồng rừng. Trong đó, có nhiều nội dung mang tính chiến lược như bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tháng 9/1958, Bác đã xác định rõ: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Năm 1961, nói chuyện với nhân dân ở đảo Cô Tô, Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.
Đặc biệt, trong bài báo "Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông năm 1965 Người viết: "Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”. Bác thường xuyên theo dõi sát sao, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, cách làm hay đồng thời phê bình nhắc nhở những nơi làm chưa tốt, a dua, chạy theo thành tích...
Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho "nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Bác khẳng định Tết trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của "Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. Bác nhấn mạnh việc thực hiện "Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển "kinh tế văn hóa” mà còn làm cho "phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”.
Không chỉ có vậy, Người còn lưu ý Tết trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ "Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, "trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: "Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”; "Sở dĩ, Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.
Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể nêu gương cho mọi người làm theo. Từ năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất.
Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Đến bất kỳ địa phương nào có dịp Bác lại tham gia trồng cây. Năm 1969, dù gần 80 tuổi sức khỏe đã yếu nhưng sáng mùng 1 tết Kỷ Dậu, Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, huyện Ba Vì.
Ngay trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên căn dặn: "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Tại tỉnh Phú Thọ, khi biết các cụ phụ lão ở xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) thực hiện tốt việc trồng cây gây rừng, mùa xuân năm 1964 Bác đã về thăm động viên và thưởng cho địa phương một ô tô tải.
Phong trào "Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động đã trải qua trên 60 mùa xuân và ngày nay đã trở thành một phong tục đẹp ở khắp mọi miền quê. Đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đặc biệt, trước hiểm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường càng thấy rõ giá trị, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng.
Để có được một phong trào, mỹ tục trở thành truyền thống, trong hơn 10 năm Bác phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn khiếm khuyết, định hướng và gương mẫu thực hiện. Qua hoạt động thực tiễn các phong trào cách mạng chúng ta càng thấy rõ và trân trọng rút ra bài học quý trong tư tưởng của Bác không chỉ trồng cây, trồng rừng mà ở mọi công việc.
BT