“Giấy thông hành” cho gỗ rừng trồng xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/2/2022 | 8:47:28 AM

YênBái - Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, đến nay Yên Bái đã tạo được bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế lâm nghiệp với hàng nghìn héc-ta rừng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn rừng quốc tế (FSC). Trồng rừng FSC mang lại lợi ích “kép” về cả giá trị kinh tế lẫn môi trường và đây cũng là “giấy thông hành” đưa sản phẩm gỗ rừng trồng vào thị trường thế giới.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng cán bộ kiểm lâm huyện Yên Bình khảo sát đánh giá năng suất rừng trồng tại huyện Yên Bình.                               
Ảnh: T.L
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng cán bộ kiểm lâm huyện Yên Bình khảo sát đánh giá năng suất rừng trồng tại huyện Yên Bình. Ảnh: T.L

Những ngày áp tết, chúng tôi về xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình - một trong những địa phương đi đầu về trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp). Ồng Đào Bá Hiệp - Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: đến nay, toàn xã có 140 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Các hộ tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã được tư vấn khoa học, kỹ thuật về môi trường, kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, quản lý rừng bền vững. Bên cạnh việc tăng giá trị kinh tế thì cấp chứng chỉ rừng đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân: loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi... ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống. 

Vất vả để có được chứng chỉ, nhưng đổi lại, rừng có nguồn gốc rõ ràng và con đường đi của gỗ rừng trồng cũng dễ dàng hơn trước, bởi khi có chứng chỉ FSC thì gỗ rừng trồng có thể đi khắp thế giới. Gia đình anh Nguyễn Hùng Anh ở thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh có 4 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ FSC chia sẻ: "Thực hiện chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng trồng của gia đình tôi được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng. Trước đây, trồng rừng theo cách truyền thống, mỗi héc- ta từ 6 đến 7 năm tuổi khi khai thác cũng chỉ bán được 60 - 80 triệu đồng. Trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, mỗi héc - ta bán với giá từ 150 đến 200 triệu đồng”. 

Về Yên Bình, đến đâu cũng nghe bàn chuyện làm giàu từ trồng rừng FSC. Chứng chỉ FSC giờ không còn xa lạ với nhiều nông dân huyện Yên Bình. Câu chuyện làm rừng FSC ở huyện Yên Bình bắt đầu từ năm 2015, thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại, huyện Yên Bình thí điểm triển khai Chương trình Quản lý rừng bền vững với khoảng 2.000 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ FSC.

Để triển khai Chương trình, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định triển khai Chương trình Quản lý, bảo vệ rừng tiến tới cấp Chứng chỉ rừng FSC cho các nhóm hộ trồng rừng tại các xã: Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã có trên 1.737 ha rừng, chủ yếu là rừng keo thuộc sở hữu của 494 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC. 

Cũng năm đó, các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn đã khai thác trên 4.000 m3 gỗ keo cho thu nhập tăng thêm 600 triệu đồng. Từ đó, phong trào trồng rừng FSC đã lan tỏa mạnh mẽ đến người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình - Lã Tuấn Hưng cho biết: từ nhiều năm trước, huyện Yên Bình đã thực hiện trồng rừng FSC. Với việc cấp chứng chỉ các gỗ rừng trồng đủ điều kiện pháp lý trong chế biến, xuất khẩu trực tiếp, nâng cao giá trị kinh tế gỗ rừng trồng. Đến hết năm 2021, huyện phấn đấu hoàn thành cấp Chứng chỉ FSC cho 10.000 ha rừng; phấn đấu đến năm 2023 sẽ có 20.000 ha được cấp chứng chỉ rừng.

Với trên 433.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 63%, Yên Bái đứng Top 4 toàn quốc về độ che phủ rừng. Khai thác thế mạnh này, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh giao đất giao rừng cho người dân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của rừng và giảm gánh nặng cho ngân sách; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển rừng; tận dụng tối đa diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp để hình thành các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung; nâng cao năng suất rừng trồng thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong khâu chọn giống và kỹ thuật thâm canh rừng; khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng FSC... 

Nhờ đó, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 15.000 ha rừng, sản lượng khai thác đạt khoảng trên 500.000 m3 và đưa Yên Bái trở thành tỉnh có sản lượng gỗ thuộc Top đầu vùng trung du miền núi phía Bắc. Đến nay, Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến giấy, ván ép, ván ghép thanh, gỗ xẻ xây dựng trong và ngoài tỉnh. 

Thành tựu lớn mà Yên Bái đạt được trong thời gian qua, đó là phát triển vốn rừng và thực hành rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự ước năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 23.500 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: khi có Chứng chỉ FSC thì việc kết nối với khách hàng, đặc biệt các thị trường lớn ở nước ngoài, nhất là những nước châu Âu càng dễ dàng hơn và đồng nghĩa giá trị thực sự về sinh kế sẽ tăng lên. Chứng chỉ này giống như tấm vé thông hành cho sản phẩm gỗ rừng trồng ra thế giới. Việc phát triển nhanh và bền vững rừng FSC là giải pháp căn cơ để đưa Yên Bái trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng ở khu vực. 

Thời gian tới, Yên Bái xác định phát triển lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, tỉnh sẽ phấn đấu mỗi năm trồng trên 15.000 ha rừng các loại; phấn đấu đến năm 2025, kinh tế lâm nghiệp chiếm khoảng 37% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp; toàn tỉnh có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn và khoảng 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Văn Thông

Tags Yên Bái gỗ rừng trồng xuất khẩu giấy thông hành hóm hộ trồng rừng

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục