Trước kì điều chỉnh giá xăng, dầu sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (ngày 11/2), có hiện tượng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu khu vực phía Nam đóng cửa, tạm ngưng hoạt động với lý do nguồn cung xăng, dầu thiếu hụt. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự khan hiếm sẽ gây ra biến động mạnh về giá của mặt hàng thiết yếu này trong thời gian tới.
Thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ
Từ giữa tháng 1 vừa qua, ngay sau thông tin về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) cắt giảm công suất, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo sự khan hiếm. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu NSRP báo cáo tình hình sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu theo đúng kế hoạch.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị NSRP nâng cao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tuân thủ việc thực hiện các hợp đồng giao xăng dầu đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Không để xảy ra việc đứt gãy nguồn cung đột ngột, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế cung cấp cho thị trường nội địa.
Cùng với đó, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Thông tin từ Cục QLTT An Giang, phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vẫn đảm bảo, duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, lực lượng QLTT cũng ghi nhận một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động tại một số huyện. Nguyên nhân tạm ngưng hoạt động được các cửa hàng đưa ra là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Có trường hợp nêu lý do đóng cửa do sang nhượng cửa hàng; do nhân viên nhiễm Covid-19… Tuy nhiên, các trường hợp này đều đã có báo cáo gửi đến chính quyền địa phương, Sở Công Thương tỉnh theo quy định.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương và văn bản củaTổng cục QLTT. "Tất cả trường hợp vi phạm sẽ được chúng tôi nghiêm túc xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hồ khẳng định.
Tương tự, trong đợt ra quân đồng loạt từ ngày 29/1 - 8/2, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến hành giám sát 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 72,5% tổng số cửa hàng). Kết quả, các cửa hàng này hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Riêng trong ngày 7/2, Lực lượng QLTT Tiền Giang đã kiểm tra đột xuất đối với 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang do ngừng kinh doanh mặt hàng xăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế do không còn hàng nên cửa hàng ngừng bán. Đến chiều 8/2, cửa hàng này đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước chiều 8/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung đã được lực lượng chức năng kiểm tra cho thấy, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho biết, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2 này, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường.
Khả năng giá xăng, dầu sẽ tiếp tục tăng
Trước biến động tăng nhanh của giá xăng dầu thế giới cũng như khả năng đáp ứng nguồn cung trong nước đang dần hồi phục, nhiều khả năng trong kỳ điều hành giá xăng dầu tới đây, mặt hàng này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Đại diện 1 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khu vực miền Trung cho biết, gần đây đang phải bán lỗ tới 500 đồng/lít xăng khi lấy hàng từ nhà máy trong nước để bán lẻ. Trong khi đó, hiện tại đang có sự chênh lệch lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước khiến các doanh nghiệp không dám nhập khẩu.
Theo nhận định từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá gas, giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới, nên trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, Cục Quản lý giá đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. Đối với mặt hàng xăng dầu, Cục Quản lý giá đề nghị Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.
(Theo VOV)