Nhiều năm gần đây, cây sắn đã và đang khẳng định vai trò của mình đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện; đặc biệt, đời sống vật chất, thu nhập của người trồng sắn được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người trồng sắn đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong canh tác sắn do đất trồng sắn bị bạc màu, rửa trôi, dẫn đến năng suất, chất lượng ngày càng giảm sút, chi phí đầu tư phân bón, chăm sóc, công lao động trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng cao. Đồng thời, do bộ giống sắn cao sản được đưa vào huyện từ những năm 2001 chủ yếu là giống KM94, KM60 đã có biểu hiện thoái hóa giống, dễ nhiễm sâu, bệnh hại và năng suất giảm.
Để tháo gỡ những khó khăn cho người trồng sắn, ổn định vùng nguyên liệu, huyện đã thực hiện các giải pháp canh tác bền vững như chống xói mòn, rửa trôi đất; chú trọng thực hiện các giải pháp như bón phân cân đối bằng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, tăng năng suất, lợi nhuận cho người trồng sắn; chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực thực hiện cải tạo giống sắn hiện nay bằng các giống sắn mới có năng suất cao.
Theo đó, niên vụ 2017, huyện đưa giống sắn BK vào thâm canh. Đây là giống mới và chăm sóc tốt có thể đạt năng suất trung bình 75 - 80 tấn/ha; cây có sức chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích nghi điều kiện môi trường tốt, hàm lượng tinh bột 27 - 28% độ bột.
Qua niên vụ 2017 triển khai tại 5 xã: Đông Cuông, Quang Minh, An Bình, Lâm Giang và Châu Quế Thượng với 106 hộ tham gia, tổng diện tích thực hiện 102 ha cho thấy, giống sắn BK có những ưu điểm nổi trội là giống sắn ít phân cành, hạn chế đổ ngã, có khả năng thích nghi và chống chịu với điều kiện khí hậu tại địa phương khá; năng suất củ tươi của sắn BK đạt 55 - 70 tấn/ha.
Đặc biệt, sắn BK có thời gian thu hoạch kéo dài từ 7 - 10 tháng nên thích hợp trong việc sản xuất rải vụ. Để tiếp tục nâng cao năng suất cho cây sắn, niên vụ 2020 - 2021, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái mà trực tiếp là Nhà máy Sắn Văn Yên cùng UBND các xã thực hiện đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy với chế phẩm men vi sinh. Kết quả đã thực hiện được 294/200 ha tại 8 xã: Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình, Lâm Giang, Châu Quế Thượng, Tân Hợp, Lang Thíp.
Qua theo dõi việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ bón cho cây sắn cho thấy, sắn sinh trưởng phát triển tốt, sắn phát triển cao hơn 10 - 20%, năng năng suất cao hơn 16 - 17% (đạt 35 - 40 tấn/ha), so với diện tích cùng trồng theo cách truyền thống của các hộ dân. Nông dân bước đầu đã nhận thức được hiệu quả của việc canh tác bền vững.
Điển hình như các ông, bà: Nguyễn Thành Quyên, Trần Văn Hùng ở xã Châu Quế Thượng; ông Nguyễn Đình Ngữ, xã Đông Cuông; bà Hoàng Thị Hạnh, xã Quang Minh; ông Nguyễn Đình Núi, xã An Bình; ông Khổng Văn Đặng, xã Lâm Giang… là những hộ đầu tư trồng sắn bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất cao. Đặc biệt những thôn đã có phong trào như thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông; thôn Khe Tăng, xã Quang Minh; thôn Gốc Đa, xã Đông Cuông; thôn Hoa Nam, xã An Bình; thôn Phúc Linh, xã Lâm Giang; thôn Đồng Tâm, xã Châu Quế Thượng… thực hiện tương đối tốt việc canh tác sắn bền vững.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: để thực hiện mục tiêu năm 2022 canh tác 1.000 ha sắn bền vững; trong đó, 600 ha là các biện pháp canh tác bền vững lâu dài, 400 ha thực hiện biện pháp canh tác tạm thời, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của việc canh tác sắn; vận động nông dân sử dụng các giống sắn có chất lượng, có thời gian sinh trưởng trung bình, cho năng suất cao đưa vào trồng, bón bổ sung phân hữu cơ, bón cân đối, đầy đủ để đạt mục tiêu năng suất trên 40 tấn/ha, thực hiện các biện pháp luân canh cây trồng để hạn chế nấm đất.
Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chú trọng vào biện pháp canh tác lâu dài nhằm hạn chế sự sói mòn đất một cách hiệu quả. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về canh tác sắn; xây dựng các mô hình điểm về kỹ thuật, về giống mới; tổ chức các cuộc thăm quan học tập giữa các xã, để nâng cao hiệu quả, tầm quan trọng của chương trình canh tác bền vững; tuyên truyền nêu gương các điển hình thực hiện tốt việc canh tác sắn trên đất dốc...
Thanh Tân