Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Hiện xăng A95 đã vượt mốc trên 25.000 đồng/lít, tăng khoảng 50% so với hơn một năm trước. Đây là mức cao nhất trong vòng tám năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Giá xăng dầu tăng cao đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; làm chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng hóa tăng, tạo áp lực lên lạm phát.
Lao đao vì giá xăng dầu
Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lẫn hành khách đứng ngồi không yên. Nhiều đơn vị vận tải tính toán do giá xăng dầu tăng cao nên tới đây buộc phải tính toán phương án điều chỉnh giá cước ít nhất 5%-7%. Giới tài xế xe ôm, taxi cũng méo mặt vì giá xăng tăng cao kỷ lục trong khi vắng khách.
Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định: Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, người dân. Giá xăng dầu chiếm đến 45%-50% giá thành vận tải nên khi giá xăng dầu tăng chắc chắn đẩy giá thành vận tải tăng lên và tác động đến nhiều ngành chứ không phải mỗi ngành vận tải. Vì khi chi phí vận tải tăng thì giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.
"Muốn điều chỉnh tăng giá cước thì các đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đơn vị vẫn chưa dám điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa, hành khách. Trong khi đó họ đang gặp khó khăn do lượng hàng hóa, hành khách giảm, lợi nhuận không có, thua lỗ. Vì vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục biến động tăng cao thì nguy cơ phải đóng cửa” - ông Liên lo lắng.
Ông Liên cho biết tại một số nước, họ hỗ trợ doanh nghiệp ngành vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19 và giá xăng dầu tăng cao bằng cách trợ giá. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xem xét giải pháp này để nhằm giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành, giúp các doanh nghiệp ổn định và duy trì sản xuất.
Không chỉ tác động mạnh đến ngành giao thông vận tải mà giá xăng dầu tăng liên tục còn tác động trực tiếp đến người dân. Anh Minh Hoàng, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), nói trước đây chỉ cần bỏ ra 60.000 đồng là đổ đầy bình xăng xe nhưng nay đổ 90.000-100.000 đồng vẫn chưa đầy.
"Xăng tăng liên tục còn kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày tăng theo, trong khi thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ví dụ, giá thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn đều tăng khoảng 20% so với cách nay hơn ba tháng. Nhiều quán ăn cũng tăng giá bán bún bò, phở, hủ tiếu...” - anh Hoàng nói.
Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính mới đây nhận định một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung.
Giảm thuế, phí là cần thiết
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc giá xăng dầu thế giới, giá thế giới tăng nên giá xăng dầu nước ta cũng phải tăng theo. Vì vậy, ở thời điểm này vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu, từ đó giúp người dân và nền kinh tế phục hồi sau giãn cách do dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ như "một tấm đệm giảm xốc” trong một thời điểm nhất định chứ không thể kìm giữ mãi đà tăng của giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới được. Hơn nữa, hiện dư địa của quỹ này không còn nhiều khi quỹ bình ổn ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng về lâu dài Việt Nam phải tăng lượng dự trữ xăng dầu như các nước trên thế giới. "Hiện nước ta vẫn chưa có những kho dự trữ xăng dầu quy mô lớn, các đầu mối xăng dầu cũng chỉ dự trữ được khoảng 6-8 ngày nên khó can thiệp khi giá xăng dầu tăng cao bất ngờ. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng những kho dự trữ lớn từ sáu tháng đến một năm” - ông Thịnh góp ý.
Bên cạnh giải pháp trên, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc giảm các loại thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu. Bởi hiện nay các loại thuế, phí chiếm tỉ trọng quá lớn cũng "góp phần” khiến giá xăng trong nước quá cao. Ví dụ, các loại thuế, phí chiếm đến gần 45% giá thành bán ra của 1 lít xăng A95.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, nêu quan điểm khi sử dụng công cụ thuế, phí, cơ quan chuyên môn như Bộ Tài chính cần có sự tính toán cẩn trọng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đối tượng tham gia thị trường như người tiêu dùng xăng dầu; các ngành sản xuất, kinh doanh tiêu thụ xăng dầu cũng như lợi ích lâu dài của nền kinh tế.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cũng cho biết nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD/thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước thì sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của Chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.
Phải tính đúng, tính đủ chi phí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu. Từ đó nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Lỗ nặng thì khó bám trụ
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đề nghị xã hội hóa kinh doanh xăng dầu trong nước, cho nhiều đơn vị tư nhân tham gia nhập khẩu, kinh doanh phân phối xăng dầu. Từ đó tạo được môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững.
Ở góc độ khác, một lãnh đạo doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn ở Hà Nội cho rằng trong bối cảnh giá thế giới biến động không ngừng thì giá xăng dầu trong nước cần được điều chỉnh bám sát với giá thế giới để giảm lỗ cho doanh nghiệp. Sau kỳ điều chỉnh ngày 11-2, các công ty kinh doanh xăng dầu vẫn đang lỗ khoảng 400-600 đồng/lít, thậm chí cao hơn. |
(Theo PLO)