Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải: “Đòn bẩy” để giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2022 | 2:02:32 PM

YênBái - Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải đã chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) của Nhà nước tới hộ nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò hiệu quả từ vay vốn tín dụng chính sách của ông Giàng A Hồng, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò hiệu quả từ vay vốn tín dụng chính sách của ông Giàng A Hồng, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo của cả nước và đại đa số là đồng bào Mông sinh sống. Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 13 xã, 1 thị trấn và cả 13 xã đều đặc biệt khó khăn. Do đó, người dân nơi đây không chỉ thiếu vốn sản xuất mà còn thiếu kiến thức, dễ sử dụng vốn sai mục đích. 

Vì vậy, để đồng vốn đến tay người dân và phát huy hiệu quả là một thách thức không nhỏ. Xác định rõ điều đó, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, giảm chi phí giao dịch, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã xây dựng  hệ thống các điểm giao dịch tại 14 xã, thị trấn. 

Đồng thời, thường xuyên củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở 98 bản và ủy thác qua 55 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã. Để công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và tổ TK&VV được thực hiện tốt, Phòng Giao dịch thường xuyên phối hợp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức hội các cấp, ban quản lý tổ TK&VV, tăng cường hướng dẫn cho tổ TK&VV, đặc biệt là khâu bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng. 

Cùng đó, Phòng Giao dịch tăng cường kiểm tra, đối chiếu dư nợ vay để kịp thời phát hiện những sai sót, lệch lạc; đề nghị UBND xã, trưởng bản, hội, đoàn thể kiên quyết đôn đốc thu hồi nợ với những người vay thiếu ý thức trả nợ. 

Hàng tháng, cán bộ tín dụng đều duy trì lịch giao dịch tại xã, xuống tận bản tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về nguồn vốn cho vay cũng như đối tượng được vay, thông báo dư nợ đến hạn, quá hạn, lãi phải thu của từng hộ... Do đó, việc đầu tư vốn TDCSXH trên địa bàn huyện thời gian qua đang phát huy hiệu quả khá rõ. 

Điển hình như hộ ông Sùng A Ảnh ở bản Nả Hảng, xã Mồ Dề từng là hộ nghèo và trước đây gia đình ông cũng đã vay vốn NHCSXH để mua trâu về nuôi lấy sức kéo. Nhờ chăm chỉ làm kinh tế nên gia đình ông đã thoát nghèo. Cùng với số tiền tích cóp được, năm 2018, ông vay thêm 30 triệu đồng từ vốn TDCSXH để phát triển chăn nuôi trâu. 

Ông Ảnh phấn khởi cho biết: "Bây giờ nhà mình đã có 7 con trâu và 9 con bò và thu nhập hàng năm được trên 100 triệu đồng. Nếu không có vốn vay ưu đãi thì chắc nhà mình sẽ nghèo mãi thôi. Mình mong muốn sẽ có nhiều hộ nghèo trong xã được vay vốn ưu đãi để làm ăn thoát nghèo”. 

Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải cho biết: với đặc thù là huyện 30a, có 91% dân số là đồng bào Mông nên mọi hoạt động của Phòng Giao dịch đều tập trung vào người nghèo, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, vốn TDCSXH đã được triển khai kịp thời tới 98 bản, tổ dân phố với 183 tổ TK&VV. Tính riêng năm 2021, đơn vị đã tích cực giải ngân cho 2.062 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua các chương trình cho vay như giải quyết việc làm; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… 

Theo đó, tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 303,5 tỷ đồng, tăng 30.754 triệu đồng (11%) so với năm 2020; đạt 100% kế hoạch giao. Không chỉ đưa vốn đến với đồng bào, cán bộ tín dụng khi xuống cơ sở giải ngân, thu lãi suất còn tư vấn, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. 

Theo thống kê năm 2021, vốn TDCSXH đã góp phần mua 2.170 con trâu, bò cày kéo kết hợp sinh sản, mua được 25 con dê, 190 con lợn giống và trên 1.000 con gia cầm các loại; khai hoang ruộng nước 13,2 ha; giúp 37 lao động có việc làm, thu nhập ổn định; giúp các hộ nghèo vay vốn cho 2 học sinh, sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học; xây dựng 224 công trình nước sạch, 223 công trình vệ sinh; tiếp nhận ký quỹ 1 lao động đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Cùng đó, nguồn vốn TDCSXH và các nguồn vốn chương trình mục tiêu khác đầu tư trên địa bàn huyện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2021 là 8,23%.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, trên cơ sở các chủ trương, chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ, của ngành, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải sẽ bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện để triển khai có hiệu quả các chương trình TDCSXH trên địa bàn nhằm góp phần từng bước đưa Mù Cang Chải ra khỏi huyện nghèo của cả nước.

Văn Thông

Tags giảm nghèo Mù Cang Chải Chính sách xã hội hộ nghèo đối tượng chính sách dân tộc thiểu số

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục