Nằm trong xu thế phát triển, huyện Trấn Yên tập trung xây dựng và hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường; xây dựng xã nông thôn mới (NTM), huyện NTM bền vững; xác định phát triển CN-TTCN làm động lực cho phát triển.
Để cụ thể hóa, ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính, huyện đã xây dựng hàng loạt cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại… Đặc biệt, quan tâm đến các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao và tạo nhiều việc làm, nhất là những lĩnh vực mà huyện có lợi thế, tiềm năng.
Với sự quyết tâm cao độ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành cùng nhà đầu tư… sản xuất CN-TTCN trên địa bàn không chỉ giữ vững nhịp độ sản xuất mà còn có những bước đột phá mạnh mẽ. Giá trị sản xuất ngày một tăng cao, nếu như năm 2015 giá trị sản xuất mới đạt 315 tỷ đồng thì đến năm 2020 đã đạt 910 tỷ đồng, tăng 595 tỷ đồng.
Năm 2021 - một năm đầy khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định, giá trị sản xuất đạt 1.108 tỷ đồng, bằng 109,7% kế hoạch tỉnh giao và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 50 triệu USD, bằng 106,4% kế hoạch và tăng 27,9%.
Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao là: tinh dầu quế, quặng sắt, gỗ ván bóc, ván ghép thanh…; hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn như: quần áo may sẵn, chè đen, chè xanh, vàng mã… Đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân nhưng không thể không nói đến sự nỗ lực trong thu hút đầu tư, sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào huyện được huyện hướng dẫn từ khâu hoàn thiện thủ tục thuê đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động…
Năm 2021, có 8 dự án được cấp phép đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng như: Dự án đầu tư Nhà máy ươm tơ tự động tại xã Báo Đáp, công suất 150 tấn/năm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Trấn Yên, vốn đầu tư 49 tỷ đồng; Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu 37 tại xã Hưng Khánh, vốn đầu tư 7,3 tỷ đồng; Dự án cửa hàng xăng dầu Cường Quy của Công ty TNHH Cường Quy, vốn đầu tư 3 tỷ đồng; Nhà máy tủ bếp cao cấp Á Châu tại Khu Công nghiệp Minh Quân; Nhà máy công nghiệp Sunwell Việt Nam (Công ty TNHH Cabinettry Sunwell Giang Tô); Nhà máy Sản xuất hóa chất Link-Win, Nhà máy Công nghiệp quốc tế Lâm Phong tại Khu công nghiệp Minh Quân...
Hiện nay, huyện đang tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ, lựa chọn địa điểm, cung cấp thông tin, lập dự án đầu tư đối với 2 dự án: Dự án đầu tư Tổ hợp khu Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Tổng Công ty Viglacera tại xã Bảo Hưng và Minh Quân; Dự án quần thể du lịch, thể thao quốc tế Venus của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Gold tại xã Minh Quân… Trong năm, thành lập mới 27 doanh nghiệp, thành lập mới 14 hợp tác xã, 154 tổ hợp tác.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, Trấn Yên tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, từng bước xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo đột phá cho phát triển kinh tế 2021-2025. Tăng cường hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 1.200 tỷ đồng.
Ngọc Trúc