Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên: Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thiết thực

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/2/2022 | 2:13:03 PM

YênBái - Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Trấn Yên và 4 tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác đã phối hợp chặt chẽ, triển khai và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, về các chương trình tín dụng chính sách.

Một phiên giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên tại xã Kiên Thành.
Một phiên giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên tại xã Kiên Thành.

>> Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên: Nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép”

 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên trong năm đã có văn bản phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện về việc triển khai các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; ký văn bản liên tịch về việc rà soát, sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Thông báo cho các tổ chức hội nhận ủy thác về những tồn tại sau kiểm tra toàn diện để cùng phối hợp chỉnh sửa; phối hợp triển khai Cuộc thi tìm hiểu Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021; phối hợp thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ. Trong năm, Phòng Giao dịch huyện cùng các tổ chức hội làm ủy thác đã tập trung tuyên truyền về các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, về nhận tiền gửi tại điểm giao dịch xã. 

Phòng Giao dịch huyện cũng đã cung ứng đầy đủ vốn các chương trình tín dụng chính sách để giải ngân kịp thời cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác; thanh toán kịp thời, đầy đủ phí ủy thác cho tổ chức hội đoàn thể các cấp. 

Ngân hàng CSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác cấp huyện thường xuyên trao đổi, thống nhất chương trình chỉ đạo hoạt động của các cấp hội; duy trì đều đặn họp giao ban 2 tháng/lần để đánh giá kết quả hoạt động, triển khai nhiệm vụ thời gian tiếp theo. 

Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay được các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thường xuyên, nghiêm túc. Các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã ngay từ đầu năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra và triển khai thực hiện đầy đủ. Năm 2021, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã đã bám sát chương trình kiểm tra công tác ủy thác cho vay tại các xã, thị trấn do tổ chức hội quản lý. 

Tổ chức hội, đoàn thể cấp xã đã kiểm tra 100% món vay giải ngân sau 30 ngày, kiểm tra 3.028 hộ vay với số tiền 113.788 triệu đồng; kiểm tra 18 tổ TK&VV, kiểm tra 920  hộ vay. Tổ chức hội cấp huyện đã tiến hành kiểm tra 75 lượt hội cấp xã, kiểm tra 142 tổ TK&VV, kiểm tra 711 hộ vay. Kết quả kiểm tra được báo cáo với cấp ủy, chính quyền các địa phương và thông báo cho Ngân hàng CSXH huyện để phối hợp quản lý. 

Đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đã cùng với ban quản lý tổ TK&VV hướng dẫn người vay xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn vay đồng thời thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, giám sát công tác bình xét đối tượng vay vốn thông qua các cuộc họp tổ TK&VV; hướng dẫn tổ TK&VV lập hồ sơ vay vốn để đề nghị Ngân hàng CSXH cho vay. 

Sau giải ngân, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn của 100% món vay để ngăn chặn kịp thời tình trạng vay hộ, vay ké, sử dụng vốn sai mục đích. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã phối hợp với ban giảm nghèo cấp xã, ban quản lý tổ TK&VV, các ngành chức năng hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ hộ vay xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn phù hợp với năng lực của hộ vay và theo dõi, giúp đỡ hộ vay trong quá trình sử dụng vốn để phát huy hiệu quả đồng vốn; xây dựng, phát hiện và nhân rộng những trường hợp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn phụ trách. 

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đã lồng ghép phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách với các nhiệm vụ, phong trào thi đua do hội, đoàn thể phát động như các phong trào: "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, "Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”, "Thanh niên khởi nghiệp”… 

Các tổ chức hội đoàn thể làm ủy thác cấp xã cũng làm tốt công tác thành lập, quản lý tổ TK&VV; củng cố, kiện toàn tổ TK&VV khi có thay đổi về nhân sự; tham gia đầy đủ việc bình xét cho vay, phối hợp tốt trong công tác xử lý nợ đến hạn, quá hạn. 

Tính đến ngày 31/12/2021, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt tổng dư nợ cho vay ủy thác 407.453 triệu đồng, chiếm 99,86% tổng dư nợ, tăng 31.470 triệu đồng so với đầu năm. Phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Ngân hàng CSXH huyện với các tổ chức hội đoàn thể làm ủy thác đã tạo nên hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Thơm

Tags Nghị quyết số 68/NQ-CP hộ nghèo hộ cận nghèo ủy thác vay vốn

Các tin khác
Giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng mạnh

Giá xăng trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (1/3) có khả năng tăng theo giá thế giới. Các chuyên gia dự báo, mức tăng của giá xăng trong nước vào ngày mai khoảng 200-300 đồng/lít.

Ngân hàng Trung ương Nga là một trong những mục tiêu trừng phạt của phương Tây.

Tác động trực tiếp từ tình hình Nga - Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam không lớn nhưng tác động gián tiếp thì cần được lưu tâm để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Giá vàng SJC tăng giá mạnh đầu tuần giao dịch.

Mở phiên giao dịch đầu tuần 28/2, giá vàng SJC mua vào - bán ra tăng mạnh lên mức 65,10 – 66 triệu đồng/lượng, cùng lúc giá vàng thế giới tăng lên 1.909 USD/oz.

Bưởi Đại Minh đạt chuẩn 4 sao OCOP. (Ảnh: Hoài Văn)

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình đã xây dựng được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cây ăn quả có múi, vùng gạo đặc sản Bạch Hà, vùng gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, vùng phát triển thủy sản hồ Thác Bà. Đây là tiềm năng sẵn có để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo nên những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục