"Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn, khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại, do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu tiên sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng không tăng cước thu của khách hàng", ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng. Nó thay thế cho phương pháp hiện nay là các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước, do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng.
Theo tính toán sơ bộ của Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20% - 30% doanh thu tuỳ theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt. Với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao, nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ.
"Với kinh nghiệm đó, với xu thế của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trên nền tảng hạ tầng số (viễn thông) đang có chi phí thấp, nay cộng hưởng thêm giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng được tính theo phương thức mới. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chúng tôi cho rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Hải cho biết, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 đã tác động làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, khách hàng như: Đặt hàng trên mạng, thanh toán trực tuyến, làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn… lưu lượng các dịch vụ trực tuyến, trong đó có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng cao.
Khi sản lượng tăng lên thì giá dịch vụ sẽ giảm, do đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TTTT, với tinh thần đồng hành cùng với khách hàng, người dân sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã họp với các Ngân hàng thương mại về giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng.
Cách huỷ dịch vụ SMS Banking với ngân hàng
Cách 1: Người dùng có thể tới quầy giao dịch của ngân hàng để huỷ.
Cách 2: Gọi điện đến số hotline ngân hàng yêu cầu hỗ trợ huỷ dịch vụ SMS Banking.
Cách 3: Soạn tin nhắn theo cú pháp để huỷ dịch vụ.
Ví dụ: để huỷ dịch vụ SMS Banking Vietcombank, khách hàng nhắn theo cú pháp "VCB cd huy” gửi 6167.
Cách 4: Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng được huỷ dịch vụ SMS Banking thông qua cài đặt trên ứng dụng app Mobile Banking, Ngân hàng số. |
SMS Banking là dịch vụ ngân hàng thông qua tin nhắn SMS, giúp khách hàng theo dõi số dư tài khoản và theo dõi chi tiêu thẻ tức thì, nhận thông báo tiền gốc và lãi vay từ ngân hàng.
Do đó, nếu huỷ dịch vụ SMS Banking, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên đăng ký dịch vụ OTT thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi nổi bật … mà không mất phí. |
(Theo LĐO)