Ngày 8-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có công điện gửi các bộ NN&PTNT, Công thương, Y tế.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài (Lệnh 248) và Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) có hiệu lực thực thi từ ngày 1-1-2022.
Trong đó, nhiều nội dung quy định mới được bổ sung, sửa đổi và thay thế các quy định liên quan trước đây, nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, đặc biệt là quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan hải quan nước này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đúng và đủ các quy định của Trung Quốc, đảm bảo các hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra liên tục, thuận lợi khi Lệnh 248, 249 được thực thi, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã thường xuyên liên hệ, trao đổi với cơ quan hải quan sở tại để tìm hiểu các quy định liên quan và yêu cầu phía bạn có văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời cung cấp cho các bộ chức năng quản lý lĩnh vực nông sản, thực phẩm trong nước thông tin, hướng dẫn tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Đến nay, việc triển khai đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của hải quan Trung Quốc cơ bản hoàn thiện. Tính đến ngày 7-3, có 1.853 doanh nghiệp được hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khẩu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được kiến nghị, phản ảnh từ các bộ chức năng và doanh nghiệp về một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Trong đó, một số vướng mắc hay gặp như một số doanh nghiệp đã được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập, khi xử lý hồ sơ trên hệ thống đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị; một số doanh nghiệp và sản phẩm chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống hải quan Trung Quốc chưa hiển thị mã.
Từ thực tế này, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời các ngành chức năng và doanh nghiệp trong nước đôn đốc, trao đổi với hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoàn thành việc phê duyệt cấp mã doanh nghiệp và sản phẩm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã và liệt kê cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký.
Ngoài ra, để đảm bảo tập trung thông tin, tránh tình trạng mỗi bộ hoặc đơn vị phụ trách của bộ phản hồi thông tin riêng lẻ như thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS Việt Nam) tập hợp thông tin từ các bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với hải quan Trung Quốc.
Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho biết sẵn sàng hợp tác với các ngành chức năng, doanh nghiệp tập hợp mọi thông tin, vướng mắc trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
"Đây là giải pháp rất kịp thời nhằm thống nhất một đầu mối xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Thực tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, UKVFTA, CPTPP… thì Văn phòng SPS Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan đầu mối thực thi Chương SPS (Chương về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật)", ông Nam nói thêm.
(Theo TTO)