Những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ, nhất là sự phối hợp liên ngành trong tổ chức quản lý, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về ATTP đã từng bước được tăng cường và việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP cũng được thực hiện đúng quy định.
Theo đó, cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành các hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP, tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý ATTP và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm cũng như xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP tại các địa phương.
Để làm tốt công tác này, tỉnh đã giao cho Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý các điều kiện về ATTP đối với các cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm đảm bảo đúng các quy định; thực hiện cấp các thủ tục hành chính kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ sở thực phẩm triển khai sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả, thuận lợi.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị chức năng duy trì quản lý đối với các nhóm sản phẩm, thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp, ngành công thương quản lý theo quy định của Luật ATTP, không để tình trạng bỏ trống hay buông lỏng quản lý đối với các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm.
Cụ thể, ngành y tế tuyến tỉnh thực hiện giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tuyến huyện giao cho 9 phòng y tế trực tiếp tham mưu giúp UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện QLNN về ATTP. Riêng khoa ATTP thuốc trung tâm y tế sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ giúp cho công tác QLNN và tuyến xã có cán bộ của trạm y tế kiêm nhiệm ATTP.
Ngành nông nghiệp, tuyến tỉnh giao cho 4 đơn vị, gồm: Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản làm đầu mối, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản. Tuyến huyện có các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Ngành công thương, tuyến tỉnh giao Phòng Quản lý Năng lượng và Công nghiệp. Tuyến huyện có phòng kinh tế hạ tầng hoặc phòng kinh tế thực hiện nhiệm vụ giúp UBND QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý. Nhờ đó, đảm bảo bố trí biên chế cho lực lượng làm công tác ATTP, phân cấp quản lý theo quy định của Luật ATTP và các nghị định của Chính phủ.
Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng kịp thời sự chuyển dịch của công tác QLNN về ATTP theo quy định từ Pháp lệnh Vệ sinh ATTP sang thực hiện Luật ATTP. Qua đó, 100% cán bộ quản lý ATTP ở ba cấp tỉnh, huyện, xã đã được tập huấn chương trình cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ; 100% cộng tác viên ATTP là nhân viên y tế thôn, bản được tập huấn kiến thức về ATTP.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác ATTP, cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã, phường, thị trấn, người quản lý, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng..., còn được tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm để nắm rõ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm và hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt...
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực QLNN về ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP, các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và địa phương quan tâm phối hợp thực hiện.
Cụ thể, trong các dịp tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, tết Trung thu..., công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng. Việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp đã góp phần giảm sự chồng chéo trong chỉ đạo thực hiện.
Hơn thế, quá trình thanh tra, kiểm tra hầu hết các trường hợp vi phạm đều được ngành chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, đảm bảo đúng pháp luật, giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, nhờ tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP thông qua nguồn lực của trung ương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao cho Phòng Kiểm nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ QLNN và nhu cầu kiểm nghiệm ATTP của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Việc khai báo, điều tra, xử lý các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn được thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế để tìm ra nguyên nhân, khoanh vùng, kiểm soát, điều trị triệt để, góp phần hạn chế ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.
Công tác giám sát các nguy cơ và cảnh báo ATTP được quan tâm thực hiện tốt. Theo đó, 100% các sự kiện lễ hội, hội nghị diễn ra trên địa bàn tỉnh đều được ngành y tế tổ chức kiểm tra giám sát, bảo đảm ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho các đại biểu, du khách cũng như cộng đồng, thể hiện rõ trong công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp năm 2020 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt trên 93%, tỷ lệ dịch vụ ăn uống cấp tỉnh quản lý cấp giấy chứng nhận đạt trên 90%. Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 30 chuỗi giá trị cung cấp rau, thịt an toàn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và gần 20 dự án chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được sơ chế đóng gói bằng vật liệu đảm bảo ATTP, có tem, mác ghi rõ địa chỉ sản xuất, ngày thu hoạch trên bao bì, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Thanh Hương