Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp, kết nối trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc đặt các câu hỏi cần có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn. Ông Huệ cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ được mời dự họp cần bố trí thời gian, sắp xếp công việc, đảm bảo tham dự đầy đủ phiên chất vấn, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Đồng thời, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất, thực trạng của tình hình, có câu trả lời, đáp án rõ ràng cả về trước mắt lẫn căn cơ lâu dài những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Báo cáo mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay trong năm qua ngành công thương phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Ông nêu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột giữa các nước gây khó cho nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Đồng thời căng thẳng chính trị Nga - Ukraine tác động làm đe dọa thiếu hụt đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu bị ảnh hưởng, cộng thêm việc gián đoạn từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đến nay cung ứng điện, hàng hóa nguyên vật liệu khá ổn định, xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực…
Tuy nhiên những vấn đề đặt ra như giá xăng dầu liên tục tăng cao, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, tình trạng ùn tắc hàng hóa ở biên giới phía Bắc gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, người đứng đầu ngành Công thương khẳng định từ tháng 1 đã chỉ đạo đáp ứng nguồn cung bù đắp lượng thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chủ động nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến quốc tế, thực hiện thanh kiểm tra… Nhờ vậy cung ứng thị trường xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Mở đầu phiên chất vấn, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết có 39 đại biểu đăng ký chất vấn.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến tăng giá xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng và đặt câu hỏi giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản: "Bộ trưởng có cam kết sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu được thuận lợi hơn hay không?”.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu vấn đề giá dầu thế giới tăng cao, nguồn cung trong nước thiếu hụt khiến chi phí nhập khẩu tăng từ 2-3 lần nên nhiều đầu mối phải giảm chiết khấu, giá bán không đủ bù chi phí, điều này dẫn tới tình trạng treo biển hết hàng, ảnh hưởng tình hình sản xuất của người dân. Vậy giải pháp pháp đặt ra là gì?
Còn theo đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), thời gian qua Bộ Công thương đã chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn về tình trạng ùn ứ hàng hóa, vậy nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tình trạng đầu cơ, găm hàng, buôn bán hàng lậu hàng không rõ xuất xứ với thiết bị y tế, vậy giải pháp là gì?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Diên cho rằng tác động cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng 40 - 60%, trong khi đó sản xuất xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cắt giảm đột ngột.
Trước tình hình đó, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, nên giữa tháng 2 có thể khẳng định nguồn cung đủ từ tháng 2 và tháng 3. Đồng thời Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu với sản lượng vượt so với bình thường, gấp hai lần trở lên, nên có thể khẳng định nguồn cung không thiếu.
Về giá xăng dầu, hai Bộ Tài chính - Công thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40 - 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29 - 40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn và kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ để giảm thuế bảo vệ môi trường.
Gắn với đó là công tác thanh kiểm tra, ông Diên cho biết có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì đã kiểm tra 16.800 cửa hàng, số cửa hàng phát hiện vi phạm rất ít, với nhiều lý do sửa chữa.
Số cây xăng đóng cửa vì thiếu xăng theo ông Diên là có thực vì số cửa hàng này nhận nguồn từ Nghi Sơn, nhưng do giảm đột ngột nên không thể tránh khỏi tình trạng đóng cửa.
Về vấn đề vật tư, thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay trong lúc nhu cầu vật tư y tế, thuốc tăng cao đã xảy ra hiện tượng vi phạm và Bộ đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, giám sát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thu giữ, xử phạt.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 ở TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang… Ngày hôm qua thu giữ 60.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 và 3.000 thuốc tân dược, đồng thời, nhiều sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá nhiều tỉ đồng.
Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn ngừa từ sớm những hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế nhập lậu và tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ưu tiên rất cao cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý những mặt hàng người dân quan tâm.
Về ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu thời gian qua, theo ông Diên, nguyên nhân do Trung Quốc thực hiện Zezo COVID-19 và hàng hóa nông sản của chúng ta bán qua biên giới chủ yếu qua tiểu ngạch nên sản phẩm xuất sang chủ yếu không theo quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn.
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm là trao đổi với Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan vùng xanh cho hàng hóa ở biên giới. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu hỗ trợ các chủ vận tải, thông tin thường xuyên với những địa phương có sản phẩm để hợp tác tốt khi cửa khẩu phía bạn không mở do COVID-19, không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu.
Bộ chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa theo cả truyền thống và thương mại điện tử. Chỉ đạo thương vụ ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương, để mở rộng thị trường.
(Theo TTO)