Theo quy định, trong mỗi giao dịch chuyển nhượng BĐS, bên nhận chuyển nhượng (người mua) có trách nhiệm đóng lệ phí trước bạ là 0,5% giá trị chuyển nhượng; bên chuyển nhượng (người bán) là doanh nghiệp cần kê khai thuế giá trị gia tăng 10% giá trị chuyển nhượng trước thuế và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ lợi nhuận chuyển nhượng; nếu người chuyển nhượng là cá nhân thì đóng thuế thu nhập cá nhân 2% tổng giá trị chuyển nhượng. Trường hợp giá mua bán thấp hơn mức giá đất do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai thuế, cơ quan thuế sẽ tính thuế theo mức giá nhà, đất của nhà nước ban hành.
Qua tìm hiểu được biết, những năm qua, ngành thuế có nhiều biện pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, song tình trạng NNT kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế, giảm đi số thuế phải nộp vẫn tồn tại, công tác đấu tranh với hành vi trốn thuế gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính là do căn cứ pháp lý yêu cầu NNT kê khai đúng thực tế chưa có; các cơ quan chức năng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai theo từng địa bàn, khu vực, dự án tại thời điểm chuyển nhượng. Nhiều hợp đồng đã giao dịch, chuyển nhượng nhiều lần nhưng thực hiện công chứng "treo” nhằm trốn thuế. Chỉ có một số ít trường hợp cơ quan thuế đấu tranh phát hiện ra dấu hiệu vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thành - cán bộ văn phòng công chứng tư nhân ở thành phố Yên Bái chia sẻ: "Mỗi tháng, văn phòng chúng tôi thực hiện công chứng khoảng 150 bộ hồ sơ cho giao dịch BĐS. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở các cá nhân giao dịch ghi đúng nội dung, giá trị để bảo đảm tính pháp lý, tránh rủi ro sau này. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thỏa thuận riêng về giá nên chúng tôi cũng khó nắm được và họ thường khai thấp hơn giá giao dịch thực tế khoảng 30% - 50% chứ không khai quá thấp đến mức phi lý để hồ sơ không hợp lệ, dễ dàng đạt mục đích”.
Để việc thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS đúng với thực tế giao dịch, bảo đảm công bằng xã hội, ngành thuế Yên Bái cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng BĐS; rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp kê khai thuế của NNT kinh doanh BĐS; từ đó, xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt với Sở Tài nguyên và Môi trường trong cung cấp thông tin chuyển nhượng BĐS khi xây dựng bảng giá đất; thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo sát với giá đất phổ biến trên thị trường.
Ngành chức năng cần yêu cầu các văn phòng công chứng trên địa bàn hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán; có trách nhiệm phối hợp, cung cấp cho cơ quan thuế hàng tháng danh sách tổ chức, cá nhân có hợp đồng công chứng chuyển nhượng, kinh doanh BĐS theo từng địa bàn để cơ quan thuế đối chiếu, rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế và nộp thuế theo quy định.
Cục Thuế tỉnh và các đơn vị trực thuộc, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, cá nhân khi chuyển nhượng BĐS ghi đúng giá chuyển nhượng thực tế, chuyển tiền qua ngân hàng nhằm tránh rủi ro nếu có tranh chấp trong thực hiện hợp đồng giao dịch và tạo điều cho cơ quan chức năng kiểm soát dòng tiền giao dịch. Phổ biến nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm theo pháp luật.
BĐS là tài sản lớn, lâu dài đối với mỗi cá nhân, tổ chức, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ dựa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khi chuyển nhượng, kinh doanh BĐS, tổ chức, cá nhân phải thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng BĐS.
Vậy nên, mỗi doanh nghiệp, cá nhân cần nâng cao ý thức trong việc kê khai, nộp thuế khi có hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh BĐS vừa để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình vừa bảo đảm công bằng xã hội, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, hành vi trốn thuế là hành vi "sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.”
Như vậy, đối với một tài sản các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận) với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế mà cơ quan nhà nước có chứng cứ xác định hợp đồng đó không trung thực thì được xem là tài liệu không hợp pháp.
Tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 cũng quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự hoặc mức thấp hơn nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế. |
Quang Thiều