Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả PCI của tỉnh những năm gần đây có những chuyển biến đáng khích lệ. Vượt qua những khó khăn về cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2018 - 2020, thứ hạng và xếp hạng của tỉnh đã tăng dần đều theo từng năm.
Theo báo cáo PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 33/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành trung bình. Năm 2020, đã tăng 9 bậc so với năm 2018 (42/63) và tăng 3 bậc so với năm 2019 (36/63). So với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thì Yên Bái đứng ở vị trí 6/14 tỉnh, đứng sau các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang và Tuyên Quang (bằng vị trí năm 2018, giảm 1 bậc so với năm 2019).
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2020, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm và có 5 chỉ số thành phần giảm điểm; trong đó, chỉ số Chi phí không chính thức tăng 1,31 điểm và tăng 35 bậc (xếp vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, chỉ số Tiếp cận đất đai tuy điểm số tăng không nhiều so với năm 2019 (chỉ tăng 0,61 điểm) nhưng lại tăng 30 bậc so với 2019, ở vị trí thứ 29/63 tỉnh (năm 2019 xếp vị trí thứ 59/63 tỉnh).
Chỉ số Gia nhập thị trường mặc dù thấp điểm hơn 0,48 điểm so với năm 2019 nhưng vẫn được đánh giá tương đối cao với 7,50 điểm (chỉ số có số điểm cao nhất trong 10 chỉ số thành phần). Chỉ số có mức điểm thấp nhất là tính minh bạch với 5,63 điểm, giảm 1,12 điểm và giảm 22 bậc (xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố)...
Qua tìm hiểu những chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh cho thấy, nguyên nhân dẫn đến 5 chỉ số thành phần giảm điểm do một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Công tác giải phóng mặt bằng và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn chậm; việc cung cấp thông tin về đất đai tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; công tác thanh, kiểm tra vẫn còn trùng lặp; số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh, kiểm tra thuế vẫn còn nhiều; việc phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN) tuy đã được cải thiện nhưng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chưa thực thi hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của tỉnh; chưa có cơ chế hiệu quả để giúp DN tố cáo những cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN; vẫn còn tình trạng DN phải trả tiền "bảo kê” để hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định; các tài liệu về ngân sách chưa đủ chi tiết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN; các dịch vụ hỗ trợ DN tại tỉnh chưa được DN tìm đến và đánh giá cao; DN ít tin tưởng vào chất lượng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN được cung cấp bởi khu vực tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, dù gia tăng tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ tư nhân cho một số dịch vụ tư vấn pháp luật nhưng DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ lại giảm. Loại hình, chất lượng, chi phí cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh vẫn là rào cản đối với các DN có nhu cầu tìm hiểu.
Để tiếp tục tạo sự đột phá, cải thiện vị trí xếp hạng PCI năm 2021 và các năm tiếp theo, tỉnh đã và đang chủ động, tích cực, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế đối với từng chỉ số cấu thành; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động số 36/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTĐTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của tỉnh Yên Bái và nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTĐTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm.
Bám sát kết quả phân tích, đánh giá đối với từng chỉ số để xây dựng kế hoạch hành động của ngành, địa phương về tiếp tục cải thiện MTĐTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, chưa được đánh giá cao từ cộng đồng DN. Tích cực đổi mới, nâng cao tính năng động, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong cải thiện chỉ số PCI và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN…
Quang Thiều