Trước những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, ngành KH&CN đã xây dựng và tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 17/12/2018; trong đó, xác định rõ tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm sản mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Để xác định loại hình SHTT phù hợp với từng sản phẩm, ngành KH&CN đã triển khai Đề tài rà soát và đề xuất các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng với mục tiêu, khảo sát đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, tiêu thụ, thống kê quy mô, diện tích, số lượng của từng loại sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng của từng địa phương trong tỉnh, từ đó đề xuất loại hình SHTT phù hợp.
Kết quả, Đề tài đã xây dựng được bộ dữ liệu các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh với 72 sản phẩm theo các nhóm ngành: trồng trọt 44 sản phẩm; chăn nuôi 16 sản phẩm; thủy sản 4 sản phẩm; chế biến 8 sản phẩm; tổng hợp, đề xuất 21 loại hình SHTT đối với các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Đề tài còn là căn cứ để ngành KH&CN tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa các sản phẩm ưu tiên triển khai xác lập bảo hộ quyền SHTT vào chương trình hành động hàng năm của tỉnh. Bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm, ngành KH&CN đã tổ chức các hội đồng tư vấn khoa học xác định, tuyển chọn nhiệm vụ khoa học, trọng tâm hướng vào chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp thâm canh trong sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ địa phương thực hiện đăng ký bảo hộ, khai thác và thực thi quyền SHTT cho các sản phẩm.
Chỉ tính trong 3 năm (2019 - 2021), ngành KH&CN tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ xác lập bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó có 22 sản phẩm đã được bảo hộ về SHTT dưới các hình thức: nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý.
Cụ thể như: nhãn hiệu chứng nhận đối với "Cá hồ Thác Bà", "Gạo nếp Lào Mu - Khánh Thiện", "Gà xương đen Mù Cang Chải", "Vịt bầu Lâm Thượng", "Khoai sọ nương Trạm Tấu"; xác lập quyền SHTT một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các huyện: Lục Yên (măng mai, lạc đỏ, gà trống thiến), Trấn Yên (chè xanh, bưởi, quế vỏ khô), Trạm Tấu (lợn đen bản địa, gà đen bản địa, măng ớt, gạo nếp 87); xây dựng nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò", "Chè xanh Hán Đà"; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Mật ong Mù Cang Chải", "Măng tre Bát độ Yên Bái", "Ba ba gai Văn Chấn", "Chè Shan Phình Hồ" của huyện Trạm Tấu.
Đặc biệt năm 2020, ngành KH&CN đã phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm (nếp Tú Lệ của huyện Văn Chấn và bưởi Khả Lĩnh của huyện Yên Bình).
Hiện nay, ngành KH&CN đang tiếp tục cùng với các địa phương triển khai các nhiệm vụ xác lập quyền SHTT cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản đã được phê duyệt bao gồm: cam tươi, chè Shan, mật ong của huyện Văn Chấn; miến đao Quy Mông, gà đồi, mật ong của huyện Trấn Yên; khoai tím, cá bỗng, tranh đá quý của huyện Lục Yên.
Đặc điểm nổi bật của các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh Yên Bái đều sử dụng nguồn lợi từ thiên nhiên như: đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao, môi trường sạch và thực tế sản xuất của đồng bào.
Tuy nhiên, để hòa nhập với xu thế phát triển chung của ngành nông nghiệp cả nước đó là tạo ra các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sinh thái, việc ứng dụng KHCN trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp thâm canh trong sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh công tác thực hiện đăng ký bảo hộ, khai thác và thực thi quyền SHTT cho các sản phẩm là hướng đi tất yếu.
Phan Thu Hương