Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/4 đến hết 31/12.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu được giảm 50% theo đề xuất trước đó của Chính phủ. Với mức giảm này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg. Riêng mức thuế đối với nhiên liệu bay giữ nguyên 1.5000 đồng/lít và mức thuế đối với dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng xuống 300 đồng/lít.
Góp phần trực tiếp giảm giá bán lẻ xăng dầu
Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.
So với nhiều nước trên thế giới, Chính phủ cho biết tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung (khoảng 38% đối với xăng, 20% đối với dầu nếu giá dầu thô thế giới là 80 USD/thùng; khoảng 35% đối với xăng, 18,4% đối với dầu nếu giá dầu thô thế giới là 100 USD/thùng).
Nhận định xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, Chính phủ cho rằng giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Vì thế, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
Chính phủ tính toán việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Từ việc giảm giá thành các mặt hàng này sẽ giúp góp phần hạn chế gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế chia sẻ một phần lợi ích của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc giảm thuế có làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ cố gắng bù bằng nguồn thu khác từ lĩnh vực khác.
6 lần tăng giá xăng vượt đỉnh lịch sử
Cùng với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam trong năm 2021 đã có 24 đợt điều chỉnh, theo thống kê của Chính phủ. Trong đó, giá bán lẻ xăng đã có 16 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Giá dầu diesel có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Bước sang năm 2022, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 6 lần và đã vượt đỉnh lịch sử, xác lập kỷ lục mới tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3.
Trong đó giá xăng E5RON92 là 28.980 đồng/lít, tăng so với kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm 2022 là 5.821 đồng/lít; xăng RON95 là 29.820 đồng/lít, tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/1là 5.944 đồng/lít; dầu diesel là 25.260 đồng/lít, tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/1là 7.021 đồng/lít.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá bình quân các mặt hàng xăng (RON92, RON95) và dầu diesel thành phẩm trên thị trường thế giới trong quý I/2022 sẽ ở mức 110-115 USD/thùng (tăng 63%-71% so với cùng kỳ năm 2021) và cả năm 2022 ở mức 100-105 USD/thùng (tăng 28%-35% so với năm 2021).
Như vậy, giá bán lẻ bình quân của các mặt hàng xăng dầu trong quý I/2022 ở mức 21.150-27.100 đồng/lít (tăng 51%-56% so với cùng kỳ năm 2021) và cả năm 2022 ở mức 19.600-25.500 đồng/lít (tăng 18,7-25,3% so với cùng kỳ năm 2021).
Báo cáo về nguồn cung xăng dầu của Việt Nam, Chính phủ cho biết có hai nguồn là nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Nguồn sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước (trong đó 35%-40% từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, 35% từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn). Tuy nhiên gần đây, do khó khăn về tài chính và sự cố kỹ thuật nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể cung ứng xăng dầu ra thị trường như sản lượng đã cam kết, gây thiếu hụt nguồn cung từ sản xuất trong nước.
Vì vậy, nguồn cung cho thị trường trong nước trong tháng 3 và Quý II/2022 dự kiến phải tăng thêm từ nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu nhập khẩu hiện nay bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ từ Nga. Việc này có thể ảnh hưởng đến nguồn nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trên thế giới và ảnh hưởng gián tiếp đến nguồn nhập khẩu của Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) với mức chi 100-400 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Với dự báo giá xăng dầu vẫn ở mức cao và còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp (thậm chí số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), Chính phủ nhấn mạnh cần sử dụng công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
(Theo Zing)