Ông Toàn phân tích: Sự linh hoạt uyển chuyển trong đối ngoại của Việt Nam đã tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa kể Việt Nam đang bắt kịp và thích ứng rất nhanh khi tham gia chuyển đổi số, bắt kịp thời đại.
Ngoài ra quan điểm của cơ quan quản lý, của Chính phủ Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam đã đặt trọng tâm một trong những động lực phát triển kinh tế Việt Nam là thu hút đầu tư FDI…Tất cả đã tạo điểm mạnh của Việt Nam và các nhà đầu tư FDI cũng nhận thức rất rõ được điều này. Từ đó có thể thấy, thu hút FDI trong năm 2022 sẽ khởi sắc.
Ông Toàn cũng lưu ý, trước hết để thu hút vốn FDI chúng ta cũng cần tìm ra những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam. Thu hút đầu tư FDI từ các nước phát triển như EU, Mỹ, Pháp… còn thấp.
Chúng ta mới chỉ thu hút được vốn FDI từ các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…
Còn đối với những thị trường mới vẫn còn thấp. Để khắc phục được điều này chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực.
Về cải thiện môi trường đầu tư cũng cần cải thiện, nhất là về nguồn nhân lực. Cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển.
Về chính sách chúng ta cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Và đặc biệt sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo, hậu quả của nó là làm giảm tính lan tỏa của nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà đầu tư trong nước cũng như công nghiệp phụ trợ chưa được phát triển nên giá trị gia tăng cũng như hiệu quả của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thấp.
Để thu hút và giữ chân được nguồn FDI chất lượng cao trong thời gian tới, ông Toàn nhấn mạnh vấn đề nâng cao môi trường đầu tư, trong quá trình đưa nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu tại các địa phương, có địa phương đưa ra cam kết và thực hiện cam kết rất rõ ràng, nhưng cũng có những địa phương mời gọi mà không đưa ra được hạ tầng, cam kết gì.
Do vậy, khi địa phương xác định phát triển kinh tế bằng thu hút vốn FDI thì thực thi các cam kết. Cần phải biến các cam kết trở thành hiện thực, cho các nhà đầu tư thấy được những cam kết này không chỉ là lời hứa suông. Khi chúng ta thực hiện tốt thì lòng tin của các nhà đầu tư sẽ được củng cố rất nhiều và họ sẽ thấy được Việt Nam là một mảnh đất mà họ có thể yên tâm đầu tư kinh doanh và phát triển.
Một điều rất quan trọng và cụ thể là cần phải ban hành sớm những tiêu chí đánh giá các dự án được ưu tiên là dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đặc biệt là phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển, để thúc đẩy được chất lượng của nguồn vốn FDI.
Phía Hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng đề xuất quan điểm, đó là nên có những cơ chế đặc biệt cho những trung tâm nghiên cứu phát triển, bởi những trung tâm nghiên cứu phát triển này sử dụng rất ít đất đai và tài nguyên nhưng đem lại hiệu quả rất cao cả trực tiếp và gián tiếp về phát triển công nghệ trong thời gian tới.
(Theo Đại đoàn kết)