Năm 2019 khi Chương trình OCOP được triển khai lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh thì khái niệm về OCOP vẫn còn rất mơ hồ. Lúc ấy, đại đa số các sản phẩm của tỉnh vẫn còn thô sơ, chưa hấp dẫn về hình thức, chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng.
Việc sản xuất chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, sự liên kết chuỗi giá trị mới manh nha hình thành ở một số sản phẩm. Thêm vào đó là tâm lý ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại của không ít chủ thể. Tuy vậy, 1 năm sau, đã có thành công bước đầu của những chủ thể tiên phong tham gia Chương trình và khái niệm về OCOP ngày càng hiện hữu rõ ràng.
Đặc biệt, các chủ thể ngày càng mạnh dạn hơn trong việc thay đổi quá trình sản xuất và đầu tư để xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đơn cử như sản phẩm chuối ngự của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (viết tắt là HTX), xã Yên Hợp, huyện Văn Yên được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Trước đây, chuối ngự ở Yên Hợp chủ yếu được người dân tự trồng và tự bán cho thương lái, không có sự kiểm định ràng buộc về chất lượng.
Để đạt các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, HTX phải thay đổi phương thức canh tác theo quy trình hữu cơ bền vững, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường. HTX đã lập kế hoạch sản xuất và hướng dẫn, phổ biến quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho từng hộ tham gia. Đồng thời, liên kết các hộ thành từng nhóm, tổ hợp tác để tổ chức quản lý, kiểm soát chéo việc thực hiện.
Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX cho biết: "Được chứng nhận OCOP, đã đánh dấu một bước tiến cho sản phẩm chuối ngự địa phương khi hoàn thiện được bao bì, tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới”.
Rõ ràng, các sản phẩm để đạt được chứng nhận OCOP phải trải qua một quá trình xây dựng hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP mất nhiều thời gian và kinh phí khi triển khai thực hiện như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, kế hoạch bảo vệ môi trường, bao bì...
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đạt OCOP sẽ được nâng tầm cả về chất lượng và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Cùng đó, các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thay vì chỉ dừng lại ở hỗ trợ sản xuất tạo ra sản phẩm như trước đây.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 5 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung - cầu trong, ngoài tỉnh… đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Qua đó, nhiều chủ thể ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thị trường, sản phẩm của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để phát triển, hoàn thiện sản phẩm của mình.
Năm 2021, ngành nông nghiệp còn phối hợp đưa 87 sản phẩm nông sản; trong đó, có 70 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Voso.vn; đưa 44 sản phẩm nông sản Yên Bái lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ với mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sau khi được bảo hộ.
Từ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, tạo được niềm tin và sự hài lòng đối với người tiêu dùng. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 120 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 12 sản phẩm đạt 4 sao, 108 sản phẩm đạt 3 sao.
Hoài Anh