Yên Bái: Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân gặp khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2022 | 7:38:32 AM

YênBái - Từ năm 2021 trở lại đây, giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục “leo thang” khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Giá vật tư, phân bón tăng cao khiến nông dân không khỏi lo lắng về năng suất cây trồng.
Giá vật tư, phân bón tăng cao khiến nông dân không khỏi lo lắng về năng suất cây trồng.

Là cửa hàng kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp lớn mọi năm vào vụ sản xuất đông xuân cửa hàng Quý Hòa ở thôn Khe Lếch, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên nhập vào 30 tấn phân bón các loại nhưng năm nay nhập về chưa đầy 15 tấn mà bán đến giữa tháng 4 vẫn chưa hết. 

Chị Nguyễn Thị Hòa - chủ cửa hàng cho biết: Giá tăng cao nên chúng tôi cũng khó bán. Người dân hạn chế mua, bình thường họ đến mua 10 kg một, có nhà mua 2 - 3 bao cho cả vụ nhưng giờ chỉ mua 5 kg và khi nào cần bón mới mua... 

Theo khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng 60 - 70%, có loại tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cụ thể như phân đạm Urê từ 8.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg, NPK từ 4.400 đồng tăng lên 6.200 đồng/kg... Các loại thuốc BVTV cũng tăng từ 50 - 70% như: thuốc Fenobucarb đặc trị dày nâu hại lúa tăng từ 155.000 lên 220.000/lít, Fenoxanil trị bệnh đạo ôn trên lúa tăng từ 11.500 đồng lên 19.800 đồng/gói 22ml, Fosetyl-aluminium trị nấm tăng từ 5.800 đồng lên 11.000 đồng/gói 20gr... 

Chủ đại lý, cơ sở kinh doanh và người dân nhận định, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhất là phân đạm. 

Theo tính toán của người nông dân, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật chiếm từ 30% - 40%, thậm chí cao hơn nếu có dịch bệnh trên cây trồng bùng phát. Điều này đã tác động tới tâm lý cũng như khả năng đầu tư của nông dân trong quá trình chăm sóc các loại cây trồng như lúa, măng, quế, chè… 

Trước thực trạng giá phân bón tăng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tìm cách thích ứng nhằm duy trì sản xuất. 

Gia đình anh Hoàng Trung Thông, thôn Khe Lếch, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên hiện có 6 sào ruộng. Vụ đông xuân này như thường lệ, gia đình anh sau khi cấy khoảng 2 tuần là tiến hành bón phân dúi viên nén, tiếp đến thời điểm sau lúa bén rễ hồi xanh là làm cỏ bón thúc cho cây lúa để hỗ trợ việc đẻ nhánh, đón đòng. 

Theo anh Thông, trung bình mỗi sào ruộng, gia đình đầu tư khoảng 10 kg phân viên nén, cũng như bổ sung thêm một số loại phân bón vô cơ khác. Thế nhưng, từ đầu vụ, trước việc giá vật tư phân bón đồng loạt tăng mạnh đã khiến chi phí cho một sào ruộng tăng lên gấp đôi, trong đó giá một ki lô gam phân viên nén đã tăng gới gần 17.000 đồng. Vì vậy, gia đình cũng tính giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh so với mọi năm. 

Anh Thông chia sẻ: Như vụ xuân năm 2021, thời điểm này gia đình bón thêm 10 kg Kali nhưng năm nay chỉ bón 5 kg vì chi phí lớn quá... Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang loay hoay tính toán cân đối để giảm lượng phân bón nhưng lại sợ mất mùa, vì hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đón đòng đến thời kỳ bón thúc mà giá phân đạm năm nay tăng 100%. 

Chị Trương Thị Huyền ở thôn Khe Cam, xã Hưng Khánh chia sẻ: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy gần 4 sào lúa, đang trong thời kỳ cần bón phân. Nhưng năm nay, do giá phân bón tăng cao gấp đôi năm ngoái. Trước bán 1 kg thóc mua được 1 kg đạm, bây giờ bán 3 kg thóc mới mua được 1 kg đạm. Vì vậy, gia đình đang tính giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh so với mọi năm, cũng rất lo việc giảm lượng phân bón sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa ở vụ này.

Theo ước tính của ngành nông nghiệp, mỗi năm nhu cầu của nông dân trong tỉnh cần gần 200.000 tấn phân bón, trong đó phân vô cơ 105.000 tấn, hữu cơ 95.000 tấn; hơn 68 tấn thuốc BVTV các loại. 

Trước thực trạng giá đầu vào vật tư phân bón, thuốc BVTV tăng cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong trồng trọt, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân bón vô cơ. Sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo định mức tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép để đảm bảo năng suất cho cây trồng... 

Ông Phạm Đình Vinh - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Người dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng: đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp. 

Ngành cũng khuyến cáo người dân nên áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ... để ủ tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất, đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường sinh thái... 

Được biết, cùng thời gian này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện niêm yết giá công khai và không để xảy ra tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao..., góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái giá vật tư nông nghiệp phân bón thuốc bảo vệ thực vật

Các tin khác
Lãnh đạo, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại cơ sở.

“Đóng cửa rừng” là một chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, Nhà nước không thể tự mình làm hết mọi việc mà cần có sự chung tay góp sức của người dân. Thời gian qua, cùng với biện pháp “đóng cửa rừng”, chính quyền tỉnh Yên Bái đã giao “chìa khóa” bảo vệ rừng cho người dân thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Nông dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cơ giới hóa khâu cấy lúa.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái.Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa các tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất lao động là bước đột phá để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Một góc khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.

Hiện tại, tỉnh Yên Bái có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 627,89 ha; trong đó, KCN phía Nam diện tích 400 ha, KCN Minh Quân gần 108 ha và KCN Âu Lâu 120 ha.

Quang cảnh lễ ký kết.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển dâu tằm tơ theo hướng bền vững, vừa qua, huyện Văn Chấn tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm kén tằm cho 2 hợp tác xã (HTX) Dâu tằm Sơn Thịnh và Đồng Khê.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục