Quy hoạch điện VIII là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Theo đó, dự báo kết quả dự báo tốc độ tăng trưởng phụ tải theo 3 phương án: kịch bản phụ tải thấp, kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải cao. Công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng 59.300 - 61.400MW; năm 2030 khoảng 86.500 - 93.300MW; năm 2035 khoảng 114.300 - 128.800MW; năm 2040 khoảng 136.500 - 162.900MW và năm 2045 khoảng 155.00 - 189.000MW.
Điện thương phẩm năm 2025 đạt khoảng 335,0 - 346,6 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 491,2 - 530,4 tỷ kWh; năm 2035 khoảng 651,3 - 736,9 tỷ kWh; năm 2040 khoảng 779,7 - 938,3 tỷ kWh và năm 2045 khoảng 886,9 - 1.101,1 tỷ kWh.
Quy hoạch cũng xây dựng các phương án phát triển điện lực trên nguyên tắc đảm bảo đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong mọi trường hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện cân đối lớn của nền kinh tế.
Xây dựng ngành điện độc lập, tự chủ, khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng trong nước, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài; đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG; khuyến khích phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, các loại hình thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trũ…; xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân…
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 63 dự án thủy điện với công suất lắp máy trên 910,6MW, trong đó có 25 dự án đã hoàn thành phát điện, 10 dự án đang thi công, 14 dự án đang làm các thủ tục chuẩn bị khởi công xây dựng, 14 dự án đã được chấp thuận khảo sát. Các dự án đã hoàn thành phát huy được hiệu quả, điện lượng bình quân khoảng 1,8 tỷ kWh/năm, nộp ngân sách hàng năm khoảng hơn 400 tỷ đồng. Nhìn chung tình hình cung ứng và chất lượng điện áp trên địa bàn tỉnh Yên Bái ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Toàn tỉnh có 5/9 huyện, thị xã, thành phố có trạm biến áp 110kV.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương xây dựng, mong muốn quy hoạch tiếp tục được điều chỉnh làm sao cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh quá tải trong truyền tải điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, phù hợp với định hướng phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lược quốc gia, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm ban hành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước. Tuy nhiên trong dự thảo nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII cần phải điều chỉnh, loại ra ngoài; một số dự án đã đưa vào Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ vào tháng 3/2021 nếu chưa hợp lý cũng cần phải đưa ra. Trên cơ sở đóng góp của địa phương, Bộ Công thương tiếp thu hoàn thiện thêm một bước dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trình hội đồng thẩm định quốc gia sẽ họp, đánh giá phấn đấu trong tháng 4 này sẽ phê duyệt quy hoạch điện VII.
Thanh Ba