Trên cánh đồng thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, ông Đoàn Trọng Hào đang phun thuốc chống bạc lá cho 2 sào lúa của gia đình. Ông Hào cho biết: "Do thời tiết nóng ẩm thất thường nên diện tích lúa của tôi bị bệnh bạc lá. Tôi đã mua thuốc về phun và làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ xã”. Vụ xuân này, xã Hưng Khánh cấy 168 ha và thời điểm này, một số diện tích trên địa bàn xã xuất hiện sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh bạc lá ở hầu hết diện tích.
Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đây là giai đoạn cây lúa hết sức mẫn cảm với các loại sâu, bệnh. Do vậy, xã tăng cường cán bộ trực tiếp ra đồng cùng nông dân thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh để tổ chức phòng trừ kịp thời, phấn đấu lúa vụ này đạt 53 - 54 tạ/ha”.
Theo Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên, đến trung tuần tháng 4, bệnh bạc lá nhiễm 25 ha; bệnh vàng lá sinh lý 30 ha; bệnh đạo ôn hại lá nhiễm nhẹ 2 ha tại các xã: Vân Hội, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Lương Thịnh, Hưng Thịnh; bệnh khô vằn nhiễm 5 ha; bọ trĩ nhiễm 7 ha; rầy trắng hại lá nhiễm 13 ha; ruồi đục nõn nhiễm 3 ha; chuột nhiễm 15 ha... hầu hết các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lúa mức độ nhẹ và trung bình.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: "Hiện, lúa xuân đang vào giai đoạn làm đòng chuẩn bị trỗ đúng vào thời điểm thời tiết giao mùa chính; vì vậy, tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại rất mạnh; trong đó, có bệnh bạc lá và vàng lá sinh lý. Trước tình hình đó, tuần qua, Trung tâm đã ban hành Thông báo số 04/TB-TT ngày 07/4/2022 về tình trạng bệnh bạc lá hại lúa xuân và biện pháp phòng trừ và từ đầu vụ đến nay đã ban hành 5 thông báo, hướng dẫn kỹ thuật trên cây lúa”.
Cùng đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức kiểm tra cơ sở, kịp thời ban hành hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh kịp thời; hướng dẫn sử dụng các loại thuốc đặc trị cho từng đối tượng như: bệnh bạc lá nên sử dụng các loại thuốc: Xantocin 40WP, Totan 200WP, Kasumin 2SL, Physan 20SL; bệnh đạo ôn, đặc biệt ở trên các giống lúa nhiễm và diện tích lúa gieo cấy sớm để phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện bằng thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Kennedy 75WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Lúa vàng 20WP...; bệnh khô vằn phát triển cần phòng trừ bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ, thường xuyên sự xuất hiện của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen để kịp thời lấy mẫu giám định và có biện pháp tham mưu, chỉ đạo phòng trừ.
Để việc phun trừ sâu, bệnh hại đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Cùng với việc phòng trừ sâu, bệnh hại, các địa phương ở huyện cũng đang chỉ đạo nông dân tích cực diệt chuột, bắt ốc bươu vàng, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho lúa xuân nhằm hướng tới một vụ lúa đạt năng suất, hiệu quả cao.
Hồng Duyên