Xác định quế là cây kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích quế cũng như thay đổi tập quán canh tác theo hướng hữu cơ. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 2.600 ha đất trồng quế thì có trên 70% diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Gia đình anh Nguyễn Thế Xuyên ở thôn Khe Dứa có hơn 5 ha quế 8 năm tuổi. Toàn bộ diện tích này đều được anh Xuyên trồng theo hướng hữu cơ, tức là không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Anh Xuyên chia sẻ: "Trồng quế theo hướng hữu cơ bán được giá hơn, tận dụng được toàn bộ các bộ phận của cây quế từ thân, vỏ, lá”.
Cùng với không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ, 500 ha trồng quế hữu cơ của 53 hộ dân ở Viễn Sơn còn được liên kết thêm canh tác nông nghiệp bền vững, tức là trồng quế hữu cơ kết hợp với bảo vệ môi trường từ năm 2020.
Những năm gần đây, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng rau đã được nhiều hộ dân trong tỉnh thực hiện; trong đó, có phương pháp trồng rau trong nhà lưới theo hình thức thủy canh.
Đây là hướng đi không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn bước đầu xây dựng thương hiệu rau sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP. Mô hình trồng rau thủy canh của anh Hoàng Văn Thưởng ở thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A, huyện Văn Yên hiện có gần 20 giàn, mỗi giàn có 10 ống rau xanh mướt được trồng theo phương pháp thủy canh với đầy đủ các loại rau như: cải ngọt, cải canh, xà lách… được bố trí khoa học theo từng khu, từng tầng ngăn nắp, theo độ tuổi của từng loại rau.
Trong quá trình rau phát triển cho đến lúc thu hoạch, từng giàn rau được theo dõi sát sao các yếu tố kỹ thuật như: nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng của nước, đặc biệt hoàn toàn không có thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên rất an toàn cho người tiêu dùng. Hay như Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Minh Tiến ở thôn Minh Tân, xã Y Can, huyện Trấn Yên, hiện tại đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Nguyễn Thị Mến - Giám đốc HTX cho biết: "Để sản phẩm sản xuất ra đảm bảo vệ sinh ATTP đòi hỏi các thành viên trong HTX phải cẩn thận trong các khâu. Cụ thể, toàn bộ diện tích trồng rau được sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học; thuốc BVTV được phun đúng dòng, cách ly đủ ngày và 10 ngày sau khâu làm đất, phơi đất cho khô, làm sạch nấm mốc, khử khuẩn diệt nấm mới tra giống, gieo hạt. Thêm vào đó, chỉ phun thuốc nấm khi cây trổ 3 lá và kể từ đó chỉ duy nhất tưới nước cho cây. Với cách làm này, lượng thuốc BVTV đã giảm 80%, phân bón giảm 60% so với canh tác truyền thống”.
Nhờ đó, rau của HTX được nhiều cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể tại trường học, công ty tiêu thụ với sản lượng 70 - 100 kg/ngày.
Hiện, toàn tỉnh đang hướng tới nền NNHC, bởi quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc BVTV, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng và các chất kháng sinh, chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nhận thấy tính ưu việt của sản xuất NNHC đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, nên thời gian qua có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân quyết tâm đầu tư sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng an toàn cho người sử dụng và người sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới đạt chuẩn hữu cơ.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 130 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ... Hiệu quả của những mô hình này tạo tiền đề quan trọng để các địa phương định hướng phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường đảm bảo ATTP khi đến tay người tiêu dùng.
Để giúp các đơn vị, người dân hướng tới sản xuất NNHC, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ. Cụ thể, tại Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 đã có sự đổi mới, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận thông qua hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Cùng với hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất NNHC cũng cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Quan trọng nhất, sản xuất NNHC phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, ATTP.
An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề bức xúc của người dân cũng như các nhà quản lý. Chính phủ đã "tuyên chiến” với thực phẩm "bẩn” bằng những quy định, chế tài. Trong đó, chiến lược nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được khuyến khích đầu tư phát triển và ngành nông nghiệp Yên Bái cũng đang tích cực thực hiện chiến lược này. Theo đó, tỉnh đã và đang hình thành một nền sản xuất NNHC nhằm tạo đà cho các sản phẩm, nhất là nông sản của tỉnh có cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài.
|
Hồng Duyên