Cùng đi thăm cánh đồng dâu xanh mướt, ông Nguyễn Văn Hà - thành viên Tổ hợp TDNT thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho biết: "Năm 2020, giá kén chỉ đạt 60.000 - 70.000 đồng/kg, năm 2021, đạt 90.000 - 100.000 đồng/kg thì năm nay, ngay từ đầu vụ xuân, giá kén đã đạt 130.000 đồng/kg và dự báo, giá kén sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới. Là người TDNT được 20 năm, tôi luôn cố gắng học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào trồng dâu, nuôi tằm để có được sản phẩm kén tốt nhất cung cấp cho thị trường”.
Được biết, mỗi năm, ông Hà thu khoảng 1,2 tấn kén và với giá như hiện nay, dự ước năm 2022 ông sẽ thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi. Hiện, xã Việt Thành đang là địa phương có diện tích dâu lớn nhất huyện Trấn Yên, với hơn 210 ha dâu và hơn 300 hộ TDNT. Năm 2021, nông dân trong xã đưa vào nuôi 20.320 vòng tằm, sản lượng kén đạt 379,6 tấn, thu về 37,9 tỷ đồng.
Năm 2022, xã tiếp tục trồng mới 5 ha dâu; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ TDNT để nghề này phát triển bền vững.
Cũng là vùng TDNT trọng điểm của huyện Trấn Yên, xã Tân Đồng hiện có 94 ha dâu và 250 hộ làm nghề này. Năm 2021, bà con đã xuất bán 225,5 tấn kén, thu về hơn 22 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ TDNT đã giúp cho cuộc sống người dân có nhiều đổi thay rõ nét.
Từ một xã vùng sâu, khó khăn của huyện, nay Tân Đồng trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh.
Ông Tạ Duy Trinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đồng cho biết: "Hiệu quả sản xuất dâu tằm cho thu nhập cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác. Đặc biệt, hiện nay, giá kén tăng nên địa phương đang tích cực tạo điều kiện, khuyến khích bà con trồng, chăm sóc tốt diện tích dâu hiện có; đồng thời, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất vườn, soi bãi kém hiệu quả sang trồng dâu để nâng cao năng suất, sản lượng dâu tằm, góp phần tăng thu nhập”.
Qua tìm hiểu từ các thương lái và công ty thu mua kén tằm, sở dĩ giá kén tằm tăng hơn so với những năm trước là do thị trường xuất khẩu tơ tằm đã khởi sắc trở lại sau một thời gian dài bị ảnh bởi dịch Covid-19; nhu cầu sản xuất ngành may mặc trong nước tăng dần.
Cùng đó, chất lượng kén tằm ngày càng được nâng lên; giá kén tằm tăng; các cơ chế, chính sách hỗ trợ luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nên đã tạo động lực, tiếp sức để nghề TDNT phát triển mạnh mẽ và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vì thế, là huyện hiện có diện tích dâu lớn nhất tỉnh nhưng năm 2022, Trấn Yên vẫn có kế hoạch trồng mới 80 ha dâu và đến nay đã trồng mới được hơn 50 ha; tiếp tục chăm sóc gần 726 ha dâu kinh doanh.
Đồng thời, huyện tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện mô hình liên kết nuôi tằm con tập trung giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã; cung cấp đủ tằm giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho các hộ nuôi tằm lớn; hướng dẫn kỹ thuật cho gần 1.500 hộ nuôi tằm lớn cải tạo, xây dựng mới nhà nuôi tằm phù hợp với diện tích dâu của hộ gia đình; tiếp tục thực hiện 3 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Quy Mông, phấn đấu sản lượng kén tằm đạt 1.100 tấn năm 2022 và đến năm 2025, diện tích dâu đạt trên 1.200 ha; sản lượng kén đạt trên 2.200 tấn, thu nhập trên 300 tỷ đồng, nâng mức thu nhập từ TDNT gấp 4 lần trồng lúa.
Hồng Oanh