Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước lau sàn và nước rửa chén từ tinh dầu quế là một điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty cho biết: "Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm. Vì vậy, đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất và đưa vào thị trường 5 sản phẩm OCOP gồm: nước rửa chén tinh dầu quế; nước lau sàn tinh dầu quế; trà quế; Quế phát Hương quế Văn Yên, Quế Phát tinh dầu quế. Các sản phẩm này đều tích các câu chuyện phong phú được ứng dụng triệt để trong lịch sử văn hóa dân tộc Dao để quảng bá giá trị văn hóa quê hương. Các sản phẩm của đơn vị khi đạt chuẩn OCOP đưa ra thị trường người tiêu dùng dễ nhận diện hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao”.
Chương trình OCOP triển khai ở Văn Yên cũng đã bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương.
Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp cho biết: phát huy thế mạnh đặc sản chuối ngự của địa phương, đơn vị đã tích cực vận động, hướng dẫn thành viên HTX và nhân dân trong xã mở rộng diện tích, trồng và thu hái chuối theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2020, HTX đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm "Chuối tiến vua Yên Hợp” (quả tươi đóng hộp) và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều; đồng thời, đây là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thị trường người tiêu dùng đón nhận. Nhờ phát triển sản phẩm OCOP cùng với các sản phẩm nông nghiệp địa phương, nên HTX phát triển ổn định với doanh thu hàng năm đạt khoảng trên 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 700 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Yên, đến hết năm 2020, huyện đã có 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Năm 2021, có thêm 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao.
Ông Lê Văn Quyền - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện đánh giá: Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, từ Chi cục PTNT đến huyện, các xã và thị trấn. Thông qua Chương trình, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn.
Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, huyện Văn Yên đặt mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành Chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn; đồng thời, góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Cụ thể, huyện tiếp tục củng cố các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng và phát triển mới các sản phẩm OCOP để đảm bảo mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Đến hết năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP; trong đó, có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao; có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài.
Để đạt muc tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; sử dụng "Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; đặc biệt là phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương; vận dụng tối đa các chương trình, nghị quyết của trung ương, của tỉnh và có các cơ chế, chính sách giúp các chủ thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP.
Văn Thông