Sẵn có diện tích đồi rừng và đất đai rộng của gia đình, song vì thiếu vốn, con giống để phát triển kinh tế nên đoàn viên Hoàng Văn Vĩnh ở thôn Đại Thắng, xã Đại Phác chỉ biết trồng lúa, ngô và trồng rừng, thu nhập cũng chỉ tạm ổn. Khi Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh triển khai đến thôn bản, đầu năm 2021, Vĩnh chủ động đăng ký phát triển mô hình nuôi dê dưới tán quế với quy mô từ 30 con trở lên. Được hỗ trợ con giống, dồn vốn liếng của gia đình, Vĩnh quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi dê và đã có nguồn thu nhập đáng kể sau 1 năm đầu tư.
Hoàng Văn Vĩnh cho biết: "Hiện tại đàn dê của gia đình đã phát triển được 40 con, cuối năm 2021 vừa bán giống và bán bớt vài con dê thương phẩm tôi cũng thu về khoảng 50 triệu đồng. Giờ tôi đang tiếp tục nhân đàn, mở rộng quy mô để duy trì đàn dê thương phẩm từ khoảng 50 con trở lên”.
Còn mô hình nuôi cá lồng và kinh doanh nhà nổi ẩm thực của đoàn viên Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Khe Dứa, xã Yên Phú được đánh giá là mô hình khởi nghiệp mạnh dạn, tiêu biểu của tuổi trẻ Văn Yên.
Nhận thấy tiềm năng của đập thủy lợi Khe Dứa, năm 2015, Tuấn Anh đã bắt tay vào nuôi cá lồng với quy mô 5 lồng. Sau 1 năm hạch toán, trừ các khoản chi phí anh thu về gần 100 triệu đồng.
Đầu năm 2019, Tuấn Anh vay thêm 55 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, cộng thêm vốn của gia đình đầu tư hệ thống nhà nổi tại khu nuôi cá trên đập để kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Vạn sự khởi đầu mới mẻ, Tuấn Anh đã lập website để giới thiệu quảng bá mô hình của mình để mọi người biết đến và liên hệ tham quan, trải nghiệm ẩm thực.
Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Hiện nay, tôi đã phát triển được 15 lồng cá, cùng hệ thống nhà nổi ẩm thực, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ mô hình của mình, tôi mong muốn nhiều bạn trẻ nỗ lực vươn lên cùng nhau lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình từ đó khẳng định bản thân đồng thời giúp đỡ thêm nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khác có việc làm ổn định”. Đó chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình lập thân lập nghiệp hiệu quả của tuổi trẻ Văn Yên trong thời gian qua.
Năm 2017, sau khi Trung ương Đoàn phát động phong trào khởi nghiệp quốc gia, UBND huyện Văn Yên đã bám sát nội dung của chương trình hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, các cấp bộ Đoàn trên toàn huyện đã chủ trì hỗ trợ thành lập 58 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã và 8 doanh nghiệp do thanh niên làm nòng cốt; 189 mô hình thanh niên phát triển kinh tế đạt hiệu quả với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 560 lao động tại địa phương.
Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh việc hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, vươn lên lập thân lập nghiệp tại 19 xã, thị trấn gồm 62 tổ với tổng số tiền gần 49 tỷ đồng cho học sinh, ĐVTN vay vốn học tập và phát triển kinh; hỗ trợ, giúp đỡ 4 thanh niên lập dự án, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguồn vốn 120 kênh Trung ương Đoàn.
Các mô hình tiêu biểu như: sản xuất bếp Huỳnh Phát của đoàn viên Nguyễn Văn Huỳnh xã An Thịnh với lợi nhuận trung bình 170 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 18 ĐVTN tại địa phương; Mô hình Hợp tác xã cơ khí Quân Hiếu xã Đông Cuông với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ năm...
Anh Đỗ Văn Thành - Bí thư Huyện đoàn Văn Yên cho biết: "Để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐVTN, trên tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị của tỉnh, huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho ĐVTN.
Từ năm 2016 đến nay, Huyện đoàn đã tổ chức được 47 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.950 ĐVTN; giúp thanh niên tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, từ đó, ứng dụng hiệu quả vào các mô hình sản xuất, kinh doanh; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi để nhân rộng các mô hình hay tại địa phương, cơ sở...”.
Thanh Tân