Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Yên Bái sẵn sàng giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2022 | 4:42:16 AM

YênBái - Để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng tập trung rà soát nhu cầu của đối tượng và chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để giải ngân nguồn vốn cho vay.

Người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái nhận vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái nhận vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Để bạn đọc nắm rõ hơn thông tin về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

P.V: Thưa ông, Chi nhánh đã triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh về những nhiệm vụ của NHCSXH trong triển khai các nội dung thuộc Nghị quyết. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của NHCSXH trong Chương trình hành động của UBND tỉnh Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; tham mưu giúp Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. 

Trong đó, chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể tới các ngành thành viên Ban đại diện và đề nghị các ngành có liên quan trong việc phối hợp với NHCSXH triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi; các phòng giao dịch cấp huyện tham mưu với UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã có văn bản chỉ đạo của UBND cấp huyện. 

Chi nhánh đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đề nghị phối hợp tuyên truyền, phổ biến, triển khai và giám sát thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11. Các tổ chức chính trị - xã hội đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị cấp huyện triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 và tuyên truyền, phổ biến trên website.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 đối với cán bộ hội, đoàn thể cấp xã và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai thực hiện kịp thời. Thực hiện niêm yết quy trình, thủ tục vay vốn tại 100% các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. In tờ rơi tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi để tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp dân cư. Đến thời điểm hiện tại, NHCSXH đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để giải ngân nguồn vốn cho vay khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

P.V: Đề nghị ông cho biết nhu cầu sử dụng vốn của các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Để chủ động nguồn vốn giải ngân kịp thời cho đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc... rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11, tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt nhu cầu vốn trình cấp có thẩm quyền. Tổng nhu cầu vốn trong 2 năm 2022-2023 là 611 tỷ đồng, đã được giao kế hoạch đợt 1/2022 là 65 tỷ đồng. 

Trong đó, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 40 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập 15 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội 10 tỷ đồng. Ngay sau khi được giao vốn đợt 1/2022, Chi nhánh đã tham mưu với Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay đến các huyện, thị xã, thành phố kịp thời và triển khai cho vay vào cuối tháng 4/2022.

P.V: Theo ông cần làm gì để nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết số 11 phát huy hiệu quả?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền về chính sách của Nhà nước tới các tầng lớp dân cư và đối tượng thụ hưởng để người dân nắm được chủ trương, chính sách và thực hiện đúng; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tạo sinh kế… đối với những hộ vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách. 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Theo Nghị quyết số 11, NHCSXH được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) như: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; cho vay đối với hộ cá nhân, gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100 của Chính phủ; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.


Văn Thông (thực hiện)

Tags Chính sách xã hội Yên Bái Nghị quyết 11 tín dụng khuyến nông khuyến lâm khuyến ngư

Các tin khác
Giá heo hơi tăng nhẹ ở một số tỉnh.

Giá heo hơi hôm nay 3/5 ghi nhận tăng nhẹ ở một vài địa phương và được thu mua trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải tuyên truyền chính sách thuế mới tới người kinh doanh tại chợ trung tâm huyện.

Năm 2022, Yên Bái được Bộ Tài chính giao thu ngân sách (TNS) Nhà nước trên địa bàn là 2.587,9 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 4.600 tỷ đồng; kịch bản TNS được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 28/1/2022 là 5.100 tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản của anh Phạm Văn Phát, thôn Đông An, xã Đông An, huyện Văn Yên được hỗ trợ 40 triệu đồng từ chính sách của Nghị quyết 69.

Năm 2021, huyện Văn Yên có 253 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hoá đặc sản hữu cơ, 3 dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị được UBND tỉnh phê duyệt, là địa phương có số lượng mô hình đăng ký lớn nhất thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh so với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Cán bộ xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò của nhân dân bản Xéo Dì Hồ B.

Làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng, các xã, thị trấn trong huyện đều tập trung khắc phục thiên tai, duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục