Hưng Khánh là một trong những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn và được quy hoạch là 1 trong 4 xã trọng điểm sản xuất tre măng Bát độ hàng hóa của huyện Trấn Yên. Năm 2022, xã được giao trồng mới 57 ha tre Bát độ.
Để thực hiện mục tiêu này, xã đã vận động nhân dân chủ động đăng ký diện tích, chủ động rà soát diện tích đất trồng cây sau chu kỳ khai thác; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng tre Bát độ; phối hợp với cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp thực hiện hướng dẫn nhân dân trồng trong khung lịch thời vụ tốt nhất, đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Từ giữa năm 2021, nhà máy chế biến măng Bát độ của Công ty cổ phần Yên Thành đi vào hoạt động ngay tại cụm công nghiệp của xã đã giúp người dân yên tâm hơn khi mở rộng diện tích trồng măng. Cùng đó, để chủ động nguồn giống tre Bát độ tại chỗ đảm bảo chất lượng, Hợp tác xã Tre măng Bát độ xã Hưng Khánh đã thực hiện khai thác giống tại chỗ loại giống tre từ 4 - 5 tuổi.
Ông Phạm Ngọc Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Tre măng Bát độ xã Hưng Khánh cho biết: "Việc ươm giống như thế này giúp người dân giảm chi phí mua giống và tạo nên chất lượng củ giống tốt, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao và sau khi trồng 1 năm đã cho thu hoạch măng”.
Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: "Cây tre măng Bát độ giờ đây đã là một trong những cây trồng chủ lực của xã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, cây tre măng đã có đầu ra ổn định và được đưa vào liên kết chuỗi; do đó, xã đang tiếp tục vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung”.
Là cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, trong 3 năm giai đoạn kiến thiết cơ bản, tre măng Bát độ cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm; đến giai đoạn kinh doanh, nếu được chăm sóc tốt có thể cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại cộng với việc phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương, nên những năm qua cây tre măng Bát độ không ngừng được mở rộng ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Trấn Yên.
Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Trấn Yên trồng 125 ha tre măng Bát độ và huyện phấn đấu trồng trên 180 ha tập trung tại 4 xã vùng quy hoạch gồm: Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành và Hưng Khánh.
Để hoàn thành kế hoạch, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai rộng rãi cho nhân dân đăng ký trồng mới; rà soát diện tích đất vườn, đất trồng cây sau chu kỳ khai thác, đất chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre; hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì, chuẩn bị đất đảm bảo trồng đúng thời vụ. Các cơ quan chuyên môn tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn người dân làm đất, chuẩn bị giống và trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Đến nay, huyện đã hình thành vùng trồng tre măng Bát độ tập trung với diện tích gần 4.000 ha. Riêng năm 2021, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn, cho thu nhập trên 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Năm 2022, thực hiện chuỗi liên kết măng tre Bát độ, toàn huyện trồng được 185 ha. Thực hiện chuỗi liên kết, người dân rất phấn khởi, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa bà con được hỗ trợ nên rất hào hứng và nhiệt tình tham gia. Khi tham gia vào chuỗi có đầu tư, có thâm canh nên sản lượng cũng như chất lượng măng được nâng lên rõ rệt”.
Trong giai đoạn tới, huyện Trấn Yên phấn đấu tiếp tục phát triển mở rộng diện tích trồng tre măng Bát độ để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn. Cụ thể, huyện tiến hành trồng mới và trồng thay thế 500 ha, phấn đấu đến năm 2025 diện tích tre Bát độ đạt trên 4.000 ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt 40.000 tấn măng thương phẩm.
Cùng đó, huyện tiến hành liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương có vùng trồng tre măng Bát độ.
Hồng Duyên