Tổ chức hoạt động theo mô hình hợp tác xã (HTX) đóng chân trên địa bàn các xã phường, QTDND được xem là "cánh tay nối dài” mang nguồn vốn đến với người dân, nhất là khu vực nông thôn để đầu tư SXKD, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Với lợi thế gần dân, hiểu rõ nhu cầu, khả năng kinh doanh, tài chính của từng hộ, là điều kiện để các QTDND phát triển dư nợ.
Điển hình như QTDND Hồng Hà được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 1997. Đây là đơn vị có bề dày trong hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh. Đến nay, QTDND Hồng Hà đã có trên 1.324 thành viên hoạt động trên địa bàn phường Hồng Hà, Hợp Minh và xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.
Nguồn vốn vay từ Quỹ đã tiếp sức cho hàng trăm mô hình kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thu và ông Hoàng Hữu Nghị ở tổ dân phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng với mức doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, nhưng đầu năm 2022 vẫn được Quỹ cho vay 600 triệu đồng để phát triển cửa hàng trong bối cảnh chung khó khăn do dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Hồng Nhung - Giám đốc QTDND Hồng Hà cho biết: Với phương châm hoạt động "lấy sự phát triển của thành viên làm gốc”, Quỹ luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục vay. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi và vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề.
Trong quý I/2022, Quỹ đã tích cực hỗ trợ giải ngân cho 193 lượt thành viên vay vốn với doanh số cho vay là 77,705 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 140,7 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ đã hỗ trợ cho các hộ thành viên đầu tư, phát triển SXKD và mở rộng các ngành nghề dịch vụ, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang đầu tư thâm canh các cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là đẩy lùi nạn "tín dụng đen”.
QTDND thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cũng là một trong những kênh dẫn vốn và đầu tư hiệu quả của người dân trên địa bàn. Bà Trần Thị Lan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ cho biết: Trong suốt 11 năm hoạt động, lấy mục đích tương trợ và giúp đỡ thành viên là nhiệm vụ thường xuyên, phát triển đi đôi với an toàn và hiệu quả. Đến nay, Quỹ đã phát triển được 960 thành viên, vốn điều lệ đạt 4,8 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 51 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quỹ có biện pháp hỗ trợ thành viên về vốn, giảm lãi suất điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, cho vay mới. Trong đó, ưu tiên lĩnh vực SXKD, dịch vụ. Nguồn vốn vay của Quỹ đã giúp các thành viên thực hiện thành công các phương án SXKD dịch vụ cải thiện đời sống, góp phần xây dựng kinh tế gia đình cũng như địa phương ngày càng phát triển.
Hiện, toàn tỉnh có 17 QTDND được cấp phép thành lập và hoạt động trên địa bàn 28 xã, phường, thị trấn. Hệ thống QTDND cũng là mô hình thu hút đông đảo thành viên tham gia nhất trong khối kinh tế tập thể của tỉnh với 19.792 thành viên.
Các QTDND trên địa bàn hoạt động cơ bản ổn định, đúng tôn chỉ, mục đích, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng. Đến 31/3/2022, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.710 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 1.373 tỷ đồng. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các QTDND trong tỉnh có biện pháp hỗ trợ thành viên về vốn, giãn, hoãn thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: Các QTDND luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hoạt động đúng luật, đảm bảo an toàn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho SXKD của thành viên, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, các quỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là khu vực nông thôn tiếp cận vốn vay đầu tư SXKD, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và hạn chế được nạn cho vay nặng lãi của địa phương; đóng góp đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và tiếp tục khẳng định là một trong những mô hình hoạt động ổn định và có hiệu quả.
Văn Thông