Gia hạn thuế với ôtô trong nước giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/5/2022 | 7:24:09 AM

Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy ôtô Hyundai Thành Công.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy ôtô Hyundai Thành Công.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, nếu Nghị định được ban hành thì doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, giúp cho việc hạ giá thành sản xuất, thúc đẩy thị trường mua bán sôi động, tăng doanh số bán hàng.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng quy định kéo dài đến cuối năm chỉ có ý nghĩa trong một thời gian nhất định, để hỗ trợ doanh nghiệp về lâu dài, cần kéo dài thời gian gia hạn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần triển khai ngay các nội dung của Nghị định nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Chia sẻ thêm những giải pháp về thuế phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội có những chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, sau khi đã xây dựng dự thảo nghị định và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan; trong đó, số tháng được gia hạn trong kỳ nộp thuế lên đến 10 tháng, tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn hơn 20.000 tỷ đồng.

Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 6-9/2022 cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn nộp thuế của kỳ tính thuế trên được thực hiện đến ngày 20/11 tới.

Trong đó, thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt như sau kỳ nộp thuế tháng Sáu sẽ được gia hạn 4 tháng; kỳ nộp thuế tháng Bảy được gia hạn 3 tháng và kỳ nộp thuế tháng Tám được gia hạn 2 tháng, tháng 9 là 1 tháng. Tức là tổng cộng số tháng được gia hạn là 10 tháng cho 4 kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9 tới.

Theo Bộ Tài chính, do đây là giải pháp cấp bách nên cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và được thực hiện trong năm 2022 nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2022. Sau thời gian gia hạn theo nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.

Đánh giá tác động việc áp dụng chính sách này đến thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết bình quân số thuế tiêu thụ đặc biệt mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nộp cho ngân sách Nhà nước dao động trong khoảng 2.450-2.800 tỷ đồng/tháng.

Trong trường hợp nhu cầu xe điện tăng lên khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin, thay thế cho xe chạy xăng, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi tháng giảm 170-250 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn trong 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6-9/2022) là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng. Với thời gian gia hạn tương đương 10 tháng, số tiền thuế được gia hạn bình quân trên 2.000 tỷ đồng/tháng, tương đương với tổng số tiền được gia hạn là trên 20.000 tỷ đồng.

Để thuận tiện cho việc thực hiện chính sách này, Bộ Tài chính cho hay người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu điện). Các giấy tờ này sẽ được gửi một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt, nên không phát sinh thủ tục hành chính mới.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Lãnh đạo xã Xà Hồ trao đổi với người dân thôn Sáng Pao về công tác chuẩn bị kiên cố đường giao thông.

Giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021 - 2022, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện vùng cao Trạm Tấu đã vận động nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động, hiến đất mở đường chung sức thực hiện tốt Đề án phát triển giao thông nông thôn (PTGTNT) trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thị xã Nghĩa Lộ thăm các cơ sở kinh doanh hàng Việt.

Những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Người dân làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế khu vực Trấn Yên - Văn Yên. Ảnh: Thành Trung.

Vừa qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với cán bộ chủ chốt để đánh giá nhiệm vụ công tác thuế tháng 4, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác tháng 5.

Chiến lược phát triển kinh tế xanh đã đưa Yên Bái trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư.

Thông qua chiến lược phát triển kinh tế xanh, bức tranh đô thị tại Yên Bái đã có sự thay đổi nhanh chóng. Trong đó, sự xuất hiện của ngày càng nhiều dự án bất động sản hiện đại là minh chứng rõ nét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục