Tận dụng diện tích đồng cỏ trên đảo hồ Thác Bà, gia đình anh Trần Văn Hậu ở thôn Đình, xã Vĩnh Kiên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi và chú trọng công tác tiêm phòng đúng định kỳ nên trong 5 năm qua, đàn trâu, bò của gia đình anh phát triển ổn định. Hiện tại, trong chuồng nhà anh đang nuôi 32 con trâu, bò, bình quân mỗi năm xuất bán 2 - 3 con mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng.
Anh Hậu chia sẻ: "Toàn bộ vốn liếng của gia đình đều tập trung vào đàn trâu, bò, nên nếu dịch bệnh xảy ra thì coi như mất trắng. Vì vậy, tôi luôn thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc - xin, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học vừa khử mùi hôi vừa hạn chế mầm bệnh”.
Xã Vĩnh Kiên hiện có đàn gia súc chính hơn 6.000 con và hơn 67.000 con gia cầm; trong đó, có 25 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Để bảo vệ đàn vật nuôi, hàng năm, ngoài việc tập trung rà soát số vật nuôi để có kế hoạch đề nghị cung ứng vắc - xin, xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đúng định kỳ.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên nhấn mạnh: "Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nên nhiều năm qua trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Do đó, ngành chăn nuôi phát triển ổn định và Vĩnh Kiên là địa phương luôn dẫn đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện”.
Qua 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện tiêm được trên 28.700 liều vắc - xin các loại. Trong đó, có gần 9.970 liều phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò; trên 4.400 liều phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và gần 11.000 liều phòng bệnh tụ huyết trùng và dịch tả lợn.
Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành cấp gần 1.400 lít thuốc khử trùng, tiêu độc cho các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ và ban quản lý chợ để phun khử khuẩn.
Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y các xã, thị trấn để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 116 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm; cách chế biến thức ăn chăn nuôi… với trên 2.800 lượt hộ chăn nuôi tham gia. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Người chăn nuôi đã có ý thức trong việc tiêm các loại vắc - xin phòng dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Hoàng Văn Trọng ở thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên cho biết: "Trung bình mỗi năm, gia đình tôi nuôi 2 lứa gà ta, mỗi lứa từ 1.000 - 2.000 con. Ở từng giai đoạn phát triển của gà, tôi đều chú ý đến số ngày tuổi để tiêm vắc - xin phòng bệnh sao cho đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Cùng đó, theo dõi biểu hiện bệnh của gà để có biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời; phun khử khuẩn 1 tuần/lần; quét, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi trước khi nuôi lứa gà mới… Nhờ đó mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.
Với mục tiêu bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi, các cơ quan chức năng của huyện Yên Bình đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi triển khai tiêm bổ sung vắc - xin phòng bệnh và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không tuân thủ các quy định của pháp luật có thể là nguồn lây của dịch bệnh.
Toàn huyện Yên Bình hiện có đàn gia súc chính trên 121.000 con, đàn gia cầm gần 800.000 con. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. |
Hồng Duyên