Xã Nghĩa Phúc hiện có 585 hộ, 2.512 nhân khẩu với trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã chỉ đạo nhân dân gieo cấy trên 78 ha ruộng nước 2 vụ/năm, đảm bảo theo khung lịch thời vụ, cho năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng cả năm đạt 960 tấn.
Nhân dân cũng tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, sản xuất 3 vụ, nhất là sản xuất vụ 3 trên đất 2 lúa đã được xã quan tâm tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện trên 80% diện tích.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng được quan tâm phát triển mạnh và đã có nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, xã Nghĩa Phúc đã xây dựng được 5 mô hình chăn nuôi lợn đang phát triển ổn định.
Ông Lò Văn Thái ở thôn Ả Hạ là một trong những hộ đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh. Ông Thái cho biết: "Gia đình tôi trước đây chủ yếu nuôi lợn thịt, chi phí chăn nuôi cao lại thêm nhiều dịch bệnh nên năm 2020 tôi dừng nuôi. Năm 2021, tôi đăng ký tham gia mô hình theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh với quy mô 15 lợn nái”.
Nhờ có sẵn kinh nghiệm chăm sóc, phòng dịch bệnh cũng như chế độ cho ăn hợp lý nên đàn lợn nái của ông Thái phát triển tốt. Hiện nay, ngoài 15 lợn nái thì trong chuồng của ông Thái duy trì thường xuyên trên 50 đầu lợn con, chưa xuất chuồng.
Cũng theo ông Thái, nuôi lợn nái chi phí thấp hơn, giá bán lợn giống cũng ổn định hơn và phòng dịch bệnh cũng dễ hơn nên vừa nhàn mà công cao hơn. Ngoài chăn nuôi lợn nái, ông Thái còn cải tạo ruộng kém hiệu quả sang làm ao nuôi cá với diện tích mặt nước hơn 3.000 m2; chăn nuôi 500 con vịt siêu trứng/lứa và trồng cây bưởi, mận, mít Thái trên diện tích đất vườn hơn 5.000 m2. Hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình ông Thái có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng.
Khác với ông Thái, hộ bà Sầm Thị Hín ở thôn Bản Pưn cũng đã cải tạo và nâng cấp chuồng trại tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh với quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên.
Từ lợi thế gia đình làm nông nghiệp và dịch vụ xay xát, sẵn nhiều cám gạo nên đàn lợn của bà Hín chủ yếu ăn cám nấu, giảm được nhiều chi phí thức ăn công nghiệp, lợn chất lượng hơn nên tuy thời gian qua ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn nhưng mô hình nuôi lợn của bà Hín sau khi trừ chi phí vẫn có lãi trên 15 triệu đồng/lứa.
Ngoài chăn nuôi, bà Hín còn đưa giống lúa Hương chiêm, TS1 gieo cấy 2 vụ/năm/7 sào ruộng, trồng rau màu vụ đông... giúp gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống và nuôi con ăn học. Năm 2022, cùng với duy trì 6 tổ hợp tác chăn nuôi dế, nuôi vịt, nuôi tằm, nuôi trồng thủy sản, tổ hợp tác cơ khí, 1 cơ sở sản xuất gỗ ván bóc và 2 doanh nghiệp thì xã có 21 hộ tiếp tục đăng ký xây dựng mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh, gồm 7 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà đen, 11 hộ chăn nuôi lợn và 3 hộ chăn nuôi trâu, bò góp phần quan trọng giúp xã tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Nhờ thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, không chỉ giúp xã Nghĩa Phúc cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã. Hết năm 2021, xã có 44 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thì 100% các chỉ tiêu đều hoàn thành đạt và vượt; giảm 6/16 hộ nghèo, vượt 3 hộ so với kế hoạch.
A Mua