Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện đơn vị tư vấn và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt 6 chuyên đề thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Yên Bái, gồm:
Chuyên đề số 12 về thực trạng và phương án phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; mạng lưới cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình.
Chuyên đề số 16 về thực trạng và phương án phát triển nguồn nhân lực.
Chuyên đề số 5 về thực trạng và phương án phát triển khu du lịch; khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Chuyên đề số 17 về thực trạng và phương án phát triển mạng lưới hạ tầng văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí.
Chuyên đề số 24 về thực trạng và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện.
Chuyên đề số 20 về thực trạng và phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, đơn vị tư vấn đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung các chuyên đề tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, phần đánh giá về thực trạng của một số chuyên đề chưa sâu và chưa đầy đủ. Các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn cần bám sát vào các định hướng, chỉ tiêu của tỉnh để xây dựng các mục tiêu cụ thể sát với thực tế và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện.
Các đại biểu có ý kiến về một số nội dung về lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình đưa ra các mục tiêu còn chưa hợp lý và chưa phù hợp với thực tế của địa phương; việc bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này chưa cụ thể và hợp lý. Trong phần định hướng cần bổ sung thêm giải pháp và phương thức sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình; cần quan tâm hơn đến đầu tư về hạ tầng cho phát thanh, truyền hình…
Chuyên đề số 16, các đại biểu cho rằng đơn vị tư vấn cần bổ sung đầy đủ hơn về đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, điều chỉnh lại kết cấu, bổ sung thêm số liệu cụ thể; bổ sung định hướng và các giải pháp cụ thể để thực hiện…
Chuyên đề số 5, đơn vị tư vấn đã tiếp thu và chỉnh sửa nội dung cơ bản đạt yêu cầu, tuy nhiên cần kết cấu lại nội dung cho gọn, cần bổ sung thêm các giải pháp thực hiện…
Chuyên đề số 17, cần xem xét điều chỉnh lại các đề mục khoa học hợp lý hơn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho rằng đơn vị tư vấn đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để bổ sung và chỉnh sửa, tuy nhiên nội dung một số chuyên đề chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chỉ tiêu đề ra quá cao so với thực tế. Đơn vị tư vấn cần đánh giá thực trạng rõ ràng hơn, để đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp.
Đối với chuyên đề số 12, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện lại nội dung chuyên đề đảm bảo chất lượng hơn.
Đối với chuyên đề số 16, đơn vị tư vấn cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để bổ sung thêm về phần đánh giá thực trạng đảm bảo đúng với tình hình thực tế của tỉnh; điều chỉnh lại phần dự báo và các giải pháp thực hiện…
Đối với chuyên đề số 17, đề nghị đơn vị tư vấn điều chỉnh lại câu từ và các đề mục khoa học hợp lý.
Đối với các chuyên đề khác, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để bổ sung hoàn thiện nội dung đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Quang Thiều